Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì hội nghị kêu gọi đầu tư của Hà Nội, trong đó yêu cầu thành phố phải tháo dỡ ngay một số rào cản về tư duy và hành động.
Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 4/6.
Quyết liệt hành động
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để phát huy được các tiềm năng, thế mạnh này, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, Hà Nội cần gỡ bỏ được các rào cản làm trì trệ, thậm chí là chệch hướng sự phát triển của Thủ đô.
Những rào cản của Hà Nội được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra, đó là môi trường đầu tư kém thông thoáng, đặc biệt là những vướng mắc đối với việc gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai; bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả…
Thủ tướng nói rằng, những tồn tại đó đã được người dân, doanh nghiệp khái quát thành câu thành ngữ hiện đại nổi tiếng “Hà Nội không vội được đâu”.
“Trước sức ép của hội nhập, sức ép của tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách trong nước, với vai trò của Thủ đô, với vai trò một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo thành phố phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta.
Hà Nội cũng cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.
“Phải tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn như thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố; có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thế chế.
“Quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm”, Thủ tướng chỉ đạo.
Kêu gọi nhiều dự án lớn
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công bố danh mục các dự án thành phố kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Bao gồm danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các dự án kêu gọi xã hội hóa.
Cụ thể, có 52 dự án được kêu gọi đầu tư theo hình thức đố PPP trong giai đoạn 2016 – 2020 có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 338.000 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư 35 dự án đường sắt đô thị, các dự án giao thông trọng điểm, dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống với tổng mức đầu tư hơn 331.00 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng muốn thực hiện 5 dự án lĩnh vực y tế có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng và 12 dự án nước sạch nông thôn trị giá 1.800 tỷ đồng.
Trong danh mục các dự án kêu gọi xã hội hóa, ông Chung cho biết thành phố có 43 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 372.000 tỷ đồng. Trong đó có 15 dự án công nghiệp thương mại dịch vụ (15.000 tỷ đồng), 5 dự án các bãi đỗ xe (3.000 tỷ đồng); 11 dự án về công viên, bệnh viện (36.800 tỷ đồng); 10 dự án nhà ở (316.000 tỷ đồng).
Hồi đáp chỉ đạo về hỗ trợ doanh nghiệp nói trên của Thủ tướng, người đứng đầu UBND Hà Nội cam kết sẽ triển khai các biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.
Cụ thể, Chủ tịch Hà Nội hứa sẽ tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của thành phố.
Ông Chung cam kết ngay từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc, giảm 1 ngày so với quy định đối với quá trình giao dịch trên mạng.
Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.
Post a Comment