Cả đơn vị thi công và chủ đầu tư hồ nước bỏ hoang khiến 3 anh em học sinh tiểu học chết đuối thương tâm đều cho rằng trách nhiệm không thuộc về mình.
Như PV đã đưa tin, khoảng 14h30 chiều 29/5, 3 anh em Trần Quang Trung (học sinh lớp 5A), Trần Thị Thu Hương (học sinh lớp 1C, em ruột của Trung) em Trần Việt Hưng (học sinh lớp 4C) là con chú ruột ra hồ nước gần UBND xã Diễn Quảng chơi và tắm thì không may bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Đến chiều 31/5, chính quyền xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) và đại diện công ty xây dựng Đại Việt đã đến hỏi thăm, động viên và hỗ trợ bước đầu cho hai gia đình nạn nhân. Theo đó, UBND xã và công ty Đại Việt đều hỗ trợ cho mỗi trường hợp tử vong số tiền 5 triệu đồng.
Ông Phan Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Quảng cho biết, nơi xảy ra đuối nước khiến 3 học sinh cùng là anh em họ với nhau tử vong là Dự án công trình nước sạch nông thôn nằm trên địa bàn xã. Công trình được xây dựng từ năm 2012, có vốn đầu tư 17 tỷ đồng với 60% vốn nhà nước còn 40% vốn do dân tự đóng góp.
Theo ông Sơn, hồ nước này mặc dù năm ngay bên cạnh trụ sở xã (cách khoảng 200m) nhưng vẫn chưa được hoàn thành, hiện vẫn đang thuộc sự quản lý của đơn vị thi công. Hơn nữa, để xảy ra sự việc đau lòng như trên cũng là do ý thức của người dân.
“Mặc dù chưa được bàn giao quản lý và giám sát nhưng thường ngày chúng tôi vẫn phát cảnh báo về nguy cơ đuối nước trên loa phát thanh”, ông Sơn cho biết.
Theo quan sát, hồ nước này nằm ngay bên cạnh sân vận động xã, rộng hàng trăm m2 tuy nhiên lại không có hàng rào chắn. Với độ sâu gần 2m, được ghép đá theo hình chữ V xung quanh, nếu người lớn lỡ sảy chân rơi xuống hồ thì cũng có thể chết đuối. Thế nhưng công trình này chỉ có một biển cấm tắm nhỏ, không có rào chắn bao quanh.
Theo người dân địa phương, vào mỗi buổi chiều, thường có khá đông các em học sinh đến tắm. Họ cũng chưa khi nào thấy có một biển báo cấm tắm ở hồ này lúc nào. Chỉ đến khi xảy ra vụ đuối nước làm 3 em nhỏ chết thương tâm thì mới bắt đầu xuất hiện một biển báo cấm tắm ở bên hồ nước.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Việt – Giám đốc công ty xây dựng Đại Việt lại cho rằng, công trình nằm ngay trên địa bàn xã thì xã cũng phải có trách nhiệm quản lý. Do thiếu vốn đóng góp từ người dân nên công trình này đã bị tàm dừng từ hơn 1 năm trước.
Theo ông Việt, sau khi tạm dừng thi công, phía công ty cũng đã làm một hàng rào bằng thép bao quanh và thuê một người dân địa phương làm bảo vệ cho công trình. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn thì hàng rào này “không cánh mà bay” hết. Sau khi có tình trạng như vậy, phía chủ đầu tư là chính quyền xã cũng không có sự can thiệp nào để khắc phục tình trạng trên.
“Chúng tôi cũng muốn nhanh chóng hoàn thành để bàn giao lại công trình này nhưng do thiếu vốn nên đành phải chịu. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm rào chắn bằng thép gai vây quanh để các cháu không vào được công trình nữa. Chúng tôi cũng mong có vốn đầu tư để sớm hoàn thành, bàn giao lại cho chính quyền xã đưa công trình vào sử dụng”, ông Việt nói.
Post a Comment