Giám đốc Điều hành (GM) Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng.
“Không ảnh hưởng nhiều đến taxi truyền thống”
Kể từ khi vào Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay, Uber liên tục gặp nhiều phản ứng từ các hãng taxi truyền thống, thậm chí có thời điểm cơ quan quản lý còn khó xếp Uber vào loại hình doanh nghiệp nào. Khi mang công nghệ mới, dịch vụ mới tới Việt Nam, vấn đề khó khăn nhất mà Uber gặp phải là gì?
Vấn đề lớn nhất mà Uber gặp phải là làm sao cho xã hội, người dùng hiểu bản chất Uber là gì. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới khi có sự xuất hiện của Uber cũng lúng túng, không biết gọi là gì, tạm gọi là vận tải cho dễ hiểu nhưng thực ra là công nghệ điều hành vận tải.
Bản chất của Uber là nền tảng công nghệ để đáp ứng cung - cầu tốt nhất, giảm lãng phí nguồn cung, tăng hiệu quả cung cầu một cách tốt nhất.
Uber hiện đã ứng dụng công nghệ vào nhiều ngành vận tải hay logistics, về sau chắc chắn sẽ có nhiều ứng dụng khác nữa. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của mình sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn bản chất dịch vụ gọi xe bằng công nghệ, lợi ích mà Uber mang lại cho Việt Nam cũng như thế giới.
Ông đánh giá thế nào về thị trường taxi truyền thống Việt Nam sau khi có sự cạnh tranh của Uber?
Sau gần 3 năm chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam, đến nay Uber đã lớn mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển của Uber gần như không ảnh hưởng nhiều đến các hãng taxi truyền thống. Chẳng hạn như doanh thu của hãng taxi dù không tăng mạnh nhưng cũng chưa có dấu hiệu giảm.
Phải nhấn mạnh rằng, bản thân Uber khai thác thị trường “đại dương xanh”, tức là những đối tượng khách hàng chưa bao giờ đi taxi vì giá cao so với thu nhập của họ.
Đối tượng thứ hai là những người tiêu dùng lần đầu tiên tham gia vào thị trường, xây dựng hành vi gọi xe cho họ bằng cách không phải vẫy xe mà chỉ cần đặt xe, sau đó ngồi chờ xe đến.
Đó là hai đối tượng cấu thành thị trường của Uber.
Khi nhìn vào thị phần thì thấy rõ ràng Uber đang mở rộng miếng bánh chứ không ăn miếng bánh của các hãng taxi truyền thống. Có thể có sự giao thoa giữa hai mảng thị phần nhưng rất nhỏ, nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty taxi truyền thống để thấy được điều đó.
Uber đang cùng các hàng taxi truyền thống xây dựng thị trường chứ chưa phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Bên cạnh đó, Uber cũng mang lại “hệ lụy tốt” vì là sức ép cạnh tranh lành mạnh, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã xây dựng hệ thống phần mềm, app gọi xe. Uber luôn chào đón vì đó cũng chính là động lực để Uber làm tốt hơn nữa.
Một doanh nghiệp muốn cạnh tranh thì phải cạnh tranh bằng năng lực cốt lõi và tất nhiên, Uber luôn tự tin về điều này.
Công nghệ và dữ liệu lớn
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, vậy Uber đã có những sự chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này?
Uber có thể coi là ví dụ điển hình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0. Cụ thể hơn thì Uber áp dụng công nghệ và dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh nhân tạo để có hệ thống vận tải mà cung - cầu gặp nhau một cách hoàn hảo nhất, làm sao cho giá dịch vụ tới người tiêu dùng được thấp nhất, hiệu suất cao nhất. Và tất nhiên, tài xế có thêm cơ hội việc làm.
Đồng thời, về sau khi Uber phát triển công nghệ xe tự lái thì tỷ lệ sai sót của con người được giảm xuống mức thấp nhất. Thành phố không cần nhiều xe nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của đi lại của người dân.
Đó là một ví dụ về Uber, còn có rất nhiều ngành khác mà cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng rộng lớn như ngân hàng. Rất có thể 10 năm nữa với sự thay đổi trí tuệ thông minh nhân tạo, máy tính, dữ liệu lớn sẽ mang lại một cuộc cách mạng cho ngành ngân hàng.
Khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không đi theo thì sẽ tụt hậu. Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị gì?
“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, theo tôi, đầu tiên các doanh nghiệp nên xác định mình đang ở bước nào. Thực ra, ở Việt Nam vẫn có các doanh nghiệp chỉ đang ở bước một.
Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất thủ công chỉ là bước một, máy móc thô sơ, chủ yếu dùng sức người.
Các doanh nghiệp ở bước thứ hai cuộc cách mạng công nghiệp là doanh nghiệp sản xuất lớn, đã áp dụng máy móc vào quy trình sản xuất.
Doanh nghiệp ở bước thứ ba là những doanh nghiệp có máy móc tốt và đã áp dụng khoa học công nghệ, phần mềm.
Còn doanh nghiệp ở bước 4.0 là những doanh nghiệp đã có 3 bước kia, đồng thời đã chuẩn bị cho mình không chỉ những dữ liệu, công nghệ, mà xây dựng năng lực, tổ chức để thực hành việc đó.
Ngoài xác định được doanh nghiệp mình đang ở đâu thì chúng ta nên biết mình cần phải làm gì để đạt được bước 4.0.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh cốt lõi như bò sữa thì họ chỉ coi công nghệ thông tin (IT) là bộ phận hỗ trợ chứ không phải công cụ hay phần cốt lõi của tổ chức để đưa họ tiến xa, vượt qua đối thủ của họ.
Vì thế, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần xây dựng là đưa IT hoặc công nghệ vào phần cốt lõi của doanh nghiệp, xây dựng một bộ phận xung quanh giám đốc công nghệ rất mạnh để có thể không chỉ xây dựng công nghệ hỗ trợ mà sản phẩm đưa doanh nghiệp đó vượt trội có thể là IT hay phần cứng.
Xu hướng sáp nhập mạnh hơn xưa rất nhiều
Theo ông, nếu không bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì điều gì sẽ xảy ra với các quốc gia?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 3.0 hay 2.0 thì doanh nghiệp khi lên một bước sẽ có chỗ đứng cao hơn các doanh nghiệp khác, đứng trên doanh nghiệp khác về năng lực cốt lõi, bắt kip thời đại và tương lai.
Trong kinh doanh truyền thống sẽ thấy thị phần quan trọng nhất, người chơi không có sự khác biệt hoá về năng lực cốt lõi. Nếu bắt kịp cách mạng công nghiệp, doanh nghiệp hay một đất nước sẽ có năng lực cạnh tranh vượt hẳn so với năng lực khác của các đối thủ cạnh tranh còn lại, như Uber. Việc này rất quan trọng.
Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo xu hướng mới trên thế giới là sáp nhập ngành, liên ngành, các ngành liên kết với nhau mạnh hơn xưa rất nhiều. Ví dụ như Uber, có người bảo là thương mại điện tử, người cho là công nghệ, thanh toán điện tử…
Ngân hàng cũng vậy. Về sau, ngân hàng có thể tạo hệ sinh thái, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng, có thể chính là mua sắm qua nền tảng ngân hàng đó vì ngân hàng họ có địa điểm giao dịch sẵn của khách hàng.
Hay ví dụ, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ dữ liệu khách hàng của mình dưới dạng mật hoá, mã hoá có thể khai thác đối tượng khách hàng hai bên tốt hơn.
Cuối cùng, theo ông, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra các dịch vụ hoàn toàn mới như Uber thì Chính phủ nên có những quy định pháp luật hay ứng xử thế nào để theo kịp với 4.0?
Theo tôi, một tổ chức hay một con người làm được điều tốt nhất khi tưởng tượng trong tương lai trông mình thế nào. Quan trọng nhất là Chính phủ nên xác định bức tranh tổng thể về nền kinh tế trong 10 năm tới là gì, khác gì với xu hướng hiện tại? Có bao nhiêu doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp 3.0 và 4.0, người dân ở mức sống nào để đưa ra chính sách phù hợp. Bức tranh này phải rõ ràng chứ không trừu tượng.
Ví dụ, chúng ta đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp lớn trở lên có trên 1.000 người thì phải là ứng dụng công nghiệp 3.5. Đó không phải là mục tiêu tham vọng hay cầu thị mà hoàn toàn phù hợp với động lực kinh tế Việt Nam hiện tại như giá nhân công lao động rẻ, chuyển dịch cơ cấu ngành, xuất khẩu tài nguyên nói chung.
Ba giá trị đó không thể cạnh tranh trong vòng 10-20 năm tới vì dân số vàng của chúng ta sắp qua, tài nguyên có hạn, cơ cấu ngành bây giờ đã cân bằng.
Duy nhất một lợi thế cạnh tranh để Việt Nam có thể nhảy vọt so với các nước khác là năng suất lao động. Năng suất lao động thì tất nhiên phải đến từ cách mạng công nghiệp chứ không phải từ cách mạng nông nghiệp.
Post a Comment