Ngày giải phóng miền Nam năm 1975 tôi chỉ là một đứa bé gái sắp lên bảy, và cũng từ ngày đó hình ảnh người cha hiện lên rõ nét và khắc sâu trong tâm trí tôi.

Cha tôi là lính hải quân VNCH. Ngày giải phóng là lúc ông đang đóng quân tại Vũng Tàu. Với lệnh giới nghiêm được ban hành nghiêm ngặt khắp mọi nơi, cha không thể trở về Sài Gòn với vợ và bầy con thơ bảy đứa, đứa lớn nhất mười hai tuổi và đứa nhỏ nhất chỉ mới lên hai. Quá sốt ruột vì sự an nguy của vợ con, ông chuẩn bị một ít lương khô và nước uống rồi nhảy ùm xuống biển với một chiếc phao. Cứ thế, ông nhắm theo la bàn mà bơi. Sau một vài giờ lênh đênh trên biển, ông được một chiếc tàu vớt lên. Vừa lên tàu, ông hỏi họ tàu này đi về đâu. Người trên tàu bảo: “Đi Mỹ”. Ông cảm ơn họ rồi nhảy lại xuống biển. Chiếc tàu thứ hai phát hiện ra ông và cứu giúp, ông cũng lại cảm ơn họ rồi từ chối. May mắn thay, chiếc tàu thứ ba là tàu của quân giải phóng. Họ vớt cha tôi và đưa ông về Sài Gòn. Sau này chúng tôi biết chuyện hỏi sao cha không đi Mỹ như nhiều người khác? Họ vẫn để vợ con lại đấy thôi. Cha tôi bảo ông không thể bỏ mặc vợ và bầy con thơ ở lại được. Ông phải tìm mọi cách có thể để trở về sum họp với gia đình. Nếu đi Mỹ thì biết cho đến bao giờ mới gặp lại vợ con, và như thế ông sẽ sống không bằng chết.

Về được Sài Gòn, cha tôi vào trại cải tạo ba ngày rồi về nhà ở hẳn với vợ con. Cuộc sống hết sức khó khăn lúc bấy giờ, và với đồng lương giáo viên èo uột của mẹ tôi, bà không thể nào trang trải đủ cho 9 miệng ăn. Cha tôi bàn với mẹ san lại một mảnh đất của người bà con để có thể tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cá. Ông tự tay xây dựng một ngôi nhà bằng cây lợp mái tôn, vách tôn và sàn xi măng, không có một sự trợ giúp nào, và chưa từng có chút kinh nghiệm gì về nghề xây cất. Ký ức của tôi về cha khi đó là khi tôi thức dậy tôi đã thấy cha đang xúc từng xẻng đất hất lên bờ, và lúc chạng vạng tối, khi mà ánh đèn trong các ngôi nhà thưa thớt quanh vùng được bật lên, tôi vẫn còn thấy ông ở đó, cần mẫn với từng xẻng đất đang được hất lên bờ. Ông còn tranh thủ đào đất cả vào những đêm trời sáng trăng.

Với sức lực của người đàn ông bốn mươi tuổi, cha tôi đã đào hai cái ao to phía trước và phía sau nhà để nuôi hai loại cá cho chúng tôi đổi món. Ông cũng trồng các loại rau, bắp, khoai, mía, … xung quanh nhà để có thêm lương thực cho các con. Ông còn cải thiện bữa ăn cho chúng tôi bằng cách đi mò cua, bắt ốc, bắt tôm ở con sông gần nhà. Ông kể có lần vì mệt quá ông nằm thiếp đi ngoài bờ sông khi nước ròng, lúc tỉnh dậy thấy xung quanh mình toàn rắn là rắn. Ông bảo chắc đó là hôm bầy rắn tụ hội. Chúng tôi nghe ông kể thôi mà đã sợ chết khiếp.

Để có thêm thu nhập nuôi bầy con thơ, cha tôi không ngại nắng mưa, khổ cực nuôi đàn gia súc gồm bò, dê, heo, gà, vịt và cả thỏ nữa. Có lần ông phải cuốc bộ từ huyện Hóc Môn về tận huyện Nhà Bè lúc trời rạng sáng. Chỉ là lần đó ông dẫn bộ về nhà một con bò vừa mới mua từ chiều hôm trước. Khó nhọc là thế, khổ cực là thế, nhưng tôi không hề nghe ông than vãn hay ca thán gì.

Cha tôi không khi nào nề hà việc chăm sóc các con khi chúng khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Tôi nhớ rằng khi chúng tôi khỏe thì chúng tôi ngủ với mẹ còn khi ốm thì ngủ với cha để được ông chăm sóc. Chiều nào cha tôi cũng kê 3 cái ghế đẩu lại với nhau, pha một thau nước ấm đầy rồi gọi: “Tắm heo, tắm heo!” Chúng tôi thích thú lần lượt nằm dài trên 3 chiếc ghế để được ông gội đầu cho, sau đó nhảy vào thau nước ấm thả sức mà vùng vẫy.

Một thời gian sau, sau bao khó khăn, nỗ lực, cha tôi cũng tìm được một công việc tại phòng Giáo dục của một huyện ngoại thành. Công việc của ông là coi sóc về cơ sở vật chất cho các trường học trong huyện. Có rất nhiều cơ hội để cha nhận hoa hồng từ các chủ thầu, nhưng cha đều từ chối. Ông bảo với họ rằng ông chỉ muốn các phòng học, trường học được xây đúng chất lượng như trong hợp đồng để các con em có nơi chốn học tập đàng hoàng. Ngày nhỏ tôi thầm trách cha và tự hỏi tại sao ông không nhận tiền từ họ để chúng tôi có thể có thêm vài bộ quần áo để mà thay đổi. Sau này lớn lên tôi mới hiểu vì sao.

Cha tôi còn là một tấm gương về nghị lực và tinh thần học tập không ngừng nghỉ. Ông lấy bằng đại học tại trường đại học tổng hợp năm 56 tuổi, khi mà tất cả anh chị em chúng tôi đứa đã tốt nghiệp, đứa còn đang theo học đại học. Cha bảo hồi còn trẻ ông không có điều kiện học đại học nên khi có điều kiện ông phải thực hiện bằng được ước mơ của mình. Cũng vì lẽ đó, gia đình tôi dù khó khăn, nghèo khổ đến thế nào, cha mẹ cũng tạo mọi điều kiện cho anh chị em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Em út tôi muốn được làm việc kiếm tiền ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học để cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn, nhưng cha tuyệt đối không cho và khuyên em phải theo đuổi việc học cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Mẹ tôi là một phụ nữ hiền lành, dịu dàng, chiều cao khá khiêm tốn, bà không đẹp sắc sảo nhưng rất có duyên, trong khi cha tôi vẻ ngoài vạm vỡ, điển trai với chiều cao một mét tám. Cha tôi phải nhờ người mai mối hỏi cưới mẹ đến lần thứ ba ngoại tôi mới gật đầu. Tôi cũng rất kính nể mẹ, vì sống với bà từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng nghe mẹ to tiếng hay quát tháo ai bao giờ. Bà là hiệu trưởng của một trường phổ thông cơ sở gần hai mươi năm cho đến khi nghỉ hưu. Bà luôn được mọi người yêu thương, quí trọng vì là người luôn điềm tĩnh khi giải quyết mọi vấn đề.

Có một lần một người phụ nữ quá lứa lỡ đề nghị ông cho bà ấy một đứa con. Cha tôi hỏi vì sao bà ấy lại chọn ông để làm cha cho con bà. Bà ấy bảo vì bà ngưỡng mộ ông, vì bà thấy chúng tôi là những đứa con ngoan, thông minh, khỏe mạnh, vì ông là một người chồng, người cha gương mẫu. Ông nhẹ nhàng trả lời “Nếu tôi cho cô một đứa con, cô có còn ngưỡng mộ tôi nữa không? Tôi có còn là người chồng, người cha gương mẫu trong mắt cô nữa hay không? Vì vậy hãy giúp tôi làm tròn trọng trách của một người chồng, người cha của một gia đình”. Cha cũng không quên cảm ơn người đàn bà ấy vì đã dành cho ông một cảm tình đặc biệt khi cha đã ngoài năm mươi.

Giờ đây khi tất cả chúng tôi mỗi người đều có cuộc sống tốt với nghề nghiệp ổn định, người làm giáo viên, người làm bác sĩ, người làm quản lý doanh nghiệp… thì cha đã ngoài 80. Cha và mẹ vẫn là một cặp hạnh phúc, vui vẻ đề huề bên con cháu. Tôi về thăm ông bà mỗi hai tuần và lần nào cũng vậy, ông chuẩn bị cho chúng tôi những mớ rau sạch mang về ăn. Tôi rất thích xem ông chăm sóc những luống rau trên sân thượng và ngồi hàng giờ lắng nghe ông kể những câu chuyện ngày xưa rồi chúng tôi cùng cười với nhau. Cha tôi cũng là một người rất hài hước.

Cha, cha là người cha vĩ đại trong lòng con. Chúng con thật sự là những đứa con may mắn được làm con của cha mẹ. Con cầu xin cho cha mẹ được sống lâu, sống vui, sống khỏe bên con cháu vì cha mẹ vô cùng xứng đáng được như thế. Và nếu như có kiếp sau, con cũng xin được làm con của cha mẹ.

Trúc Chi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top