Là một chính khách nổi tiếng, Tôn Vận Tuyền (cựu Thủ tướng Đài Loan) còn được biết đến như một người cha đầy trí tuệ với những lời dạy con sâu sắc, thấm thía.
Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006) từng là một ngôi sao chính trị của Đài Loan. Ông giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong suốt 9 năm (1969 – 1978). Năm 1978 ông được bầu làm Thủ tướng. Những năm Tôn Vận Tuyền hoạt động chính trị cũng chính là thời điểm Đài Loan chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những “con rồng” của châu Á. Khi ấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đài Loan chỉ đứng sau Nhật Bản tại châu Á.
Ông có một gia đình hạnh phúc, có 4 người con đều học rộng tài cao. Họ đều là những tiến sĩ, giáo sư thuộc đủ các lĩnh vực: công nghệ thực phẩm, tài chính, xây dựng… Đáng nói là không một ai trong số họ theo nghiệp chính trị của cha. Tất cả đều đi trên chính đôi chân của mình.
Ông Tôn Vận Tuyền và vợ lúc sinh thời. Ảnh: Mag.udn.com.
Bí quyết nào giúp Tôn Vận Tuyền có thể điều hoà tốt mối quan hệ trong gia đình mình và nuôi dạy tất cả các con nên người? Đọc bức thư dưới đây, có lẽ bạn sẽ liễu giải được nhiều điều.
“Con trai yêu quý!
Cuộc sống luôn có cả phúc lành lẫn tai họa. Không ai biết mình có thể sống được bao lâu. Có những điều nói ngay bây giờ sẽ tốt hơn để lại về sau.
Là cha của con, nếu ta không nói ra những điều này, sẽ không ai nói với con cả. Đây là những bài học đúc kết của cha từ nhiều năm trải nghiệm, qua những thất bại, đắng cay trong bôn ba cuộc đời. Cha hy vọng con sẽ không lặp lại những sai lầm ta từng mắc:
Trên đường đời, con sẽ gặp những người đối xử tệ với mình. Đừng bận tâm. Không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con, trừ cha mẹ. Hãy trân trọng và biết ơn những người đối xử tử tế với con nhưng cũng hãy đề phòng. Họ đối tốt với con có thể vì mục đích nào đó. Đừng vội kết luận một người là tốt đơn giản chỉ vì họ ưu ái con.
Không ai là không thể thay thế. Không thứ gì trên thế giới này khiến con phải bám chặt lấy hay cố sở hữu bằng mọi giá. Nếu con hiểu điều này, thì về sau dù mất đi bất cứ điều gì trong đời, con vẫn có thể đứng vững.
Cuộc đời rất ngắn. Đừng phí thời gian và vào những người, việc không cần thiết. Sau này con sẽ nhận ra rằng mình đã lãng phí tất cả những ngày tháng qua. Nhận ra điều này càng sớm, con càng tận hưởng được cuộc sống nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng và tận hưởng cuộc sống. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc cố gắng kéo dài tuổi thọ.
Không có gì trên thế giới là mãi mãi, kể cả tình yêu. Tình cảm có thể thay đổi theo thời gian. Nếu một ngày nào đó con mất đi người mình từng yêu tha thiết, hãy nhẫn nại. Đừng cố níu kéo những gì đã mất hay phóng đại cảm xúc của mình. Thời gian sẽ làm dịu nỗi đau. Thời gian sẽ hàn gắn tất cả.
Không phải tất cả những người thành công đều học hành đến nơi đến chốn nhưng điều này không có nghĩa là con có thể bỏ bê việc học của mình. Kiến thức con có được là tài sản lớn nhất của con. Con có thể từ tay trắng làm nên tất cả, biến không thành có. Con không thể làm được những điều này nếu không có kiến thức, kỹ năng. Hãy nhớ kỹ.
Ta không mong đợi con sẽ chăm lo cho ta lúc về già. Cũng như vậy, cha không có trách nhiệm phải bao bọc con khi con đã trưởng thành. Nhiệm vụ của ta đã hoàn thành khi con lớn lên và trở thành một người độc lập. Con có thể đi xe bus hay lái xe Benz đắt tiền. Tương tự, con có thể ăn mì gói hay bào ngư. Tất cả đều là lựa chọn của chính con.
Con có thể hứa hẹn với mọi người nhưng không được phép yêu cầu họ cam kết với con. Con có thể đối xử tốt với người ta nhưng đừng hy vọng họ đáp lại. Con đối xử với họ thế nào không có nghĩa là họ có bổn phận phải đáp lại con như thế. Nếu không thể nhìn thấu điều này, về sau con sẽ chỉ có chuốc lấy đau khổ, thất vọng mà thôi!
Có người mua vé số suốt nhiều năm nhưng cuối cùng vẫn trắng tay, nghèo đói. Để thành công, con đều phải nỗ lực hết mình. Trên thế giới này không có gì là miễn phí.
Chúng ta ở bên nhau như một gia đình chỉ trong cuộc đời này thôi, dù con có thích hay không. Vì thế, hãy trân trọng và nâng niu giây phút ta được bên nhau. Dù muốn hay không, chúng ta sẽ không thể gặp nhau ở kiếp sau.
Cuối cùng, cha muốn muốn nói với con: Hãy đền đáp lòng tốt của cha mẹ, chăm sóc cho sức khỏe của chính mình. Ăn uống điều độ, trò chuyện ôn hòa. Trẻ nhỏ cần được dạy bảo. Các mối quan hệ cần phải nuôi dưỡng, sống hướng tới sự hoàn thiện”.
Tôn Vận Tuyền bên cạnh các con còn nhỏ. Ảnh dẫn qua: Afamily.vn
Đã nhiều năm qua đi, bức thư này của Tôn tiên sinh đã được hàng trăm nghìn người truyền tay nhau đọc. Qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng internet, nó càng đến tay nhiều người hơn. Những đứa con tìm thấy ở đây đạo nghĩa làm người. Còn các bậc cha mẹ cũng có một bài học không thể sinh động hơn về nghệ thuật giáo dưỡng con cái.
Thư Tôn Vận Tuyền gửi con trai có cái lo lắng, thao thức điển hình của bậc làm cha mẹ, cũng có sự tin tưởng, gửi gắm, lạc quan về lớp trẻ. Không chỉ là thư dạy con, nó còn chứa đựng những nguyên tắc, bài học làm người quý báu.
Dạy con cũng là cách cha mẹ rèn luyện
Ảnh dẫn qua: Megamart.vn
Thực ra, với người phương Đông, giáo dục con cái chính là trọng trách lớn nhất của các bậc phụ huynh. Người xưa nói: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, nghĩa là nuôi mà không dạy dỗ là lỗi của cha. Nho gia dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ngoài “tu thân” (tu sửa bản thân) thì cái gốc của đạo trị quốc, an dân chính là “tề gia”, cũng chính là giáo dục gia phong, nếp nhà.
Trong “Tam tự kinh”, một trong những cuốn sách đầu tiên người xưa dùng để dạy dỗ con trẻ cũng viết về giáo dục thế này: “Tích Mạnh mẫu, trạch lân xứ. Tử bất học, đoạn cơ trữ. Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương. Giáo ngũ tử, danh câu dương”. Nghĩa là: Mẹ của Mạnh Tử ngày xưa chọn láng giềng ở. Con không chịu học, bèn chặt cả khung cửi. Ông Đậu Yên Sơn biết lễ nghĩa, dạy 5 con đều nổi danh.
Ngày xưa, từ khi còn rất nhỏ trẻ đã được dạy dỗ trong một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh. Con trai học “Tứ thư”, “Ngũ kinh”, được dạy sống theo: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Con gái được dạy cho nữ công gia chánh, may vá, thêu thùa. Ở nhà thì cha mẹ dạy dỗ, đến trường lại có sư phụ chỉ bảo, đến tận khi trưởng thành người ta vẫn liên tục được giáo dưỡng trong một hệ thống quy phạm đạo đức của “Tam cương, ngũ thường”. Khi ấy, cả xã hội được đặt trong một quy phạm như thế, cả xã hội vận hành theo những bánh răng như thế.
Ảnh dẫn qua: suckhoedoisong.vn
Ngày nay, sau vài trăm năm, người ta đã vội biến những thứ quy phạm ấy trở thành đồ cổ trưng bày ở bảo tàng. Những giá trị đạo đức từng làm mẫu mực cho hàng trăm triệu người Á Đông xưa bị gắn cái mác “cổ hủ”, “lạc hậu” và bị phê phán. Nhưng có một điều bậc cha mẹ nào cũng nhận ra, đó là dạy con bây giờ quả khó hơn ngày xưa nhiều. Không phải vì cha mẹ không đủ thời gian ở cạnh con, cũng không phải những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đang huỷ hoại con cái chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ ta đã mất đi một “hệ thống quy phạm” để giáo dục trẻ, cũng chính là chúng ta đang mất gốc, đánh mất những truyền thống, nền tảng đạo đức để duy trì, vận hành một gia đình.
Dạy con là cả một nghệ thuật, cũng là cả một quá trình rèn luyện của cha mẹ: phải biết nhẫn, biết bao dung, biết cứng, biết mềm… Hãy là một ông bố, bà mẹ thông minh, ít nhất thì cũng như Tôn Vận Tuyền với lá thư kinh điển ở trên. Đọc lại nó một lần và bạn sẽ nhận ra rằng:
Đừng nghĩ kiếm thật nhiều tiền là con bạn sẽ có một cuộc sống giàu sang, không lo lắng. Đừng nghĩ dạy con đơn giản chỉ là đưa chúng tới trường mỗi ngày và để lại một bản di chúc hậu hĩnh khi bạn nhắm mắt xuôi tay. Trái lại, dạy con là truyền cho con đức hạnh và phẩm giá, là trao cho con cơ hội làm một người lương thiện.
Hữu Bằng ( ĐKN )
Post a Comment