Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện có tình trạng một số nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị gắn trong một số video có nội dung xấu độc trên YouTube.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý hoạt động quảng cáo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa gửi nhiều thông tin đáng chú ý đến các vị đại biểu Quốc hội.

Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng là một trong các nhóm vấn đề dự kiến chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vào ngày 18/4 tới đây.

Văn bản của Bộ trưởng nêu, cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong lúc hầu hết những vấn đề chủ yếu trong quảng cáo và phương thức quảng cáo (báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, xuất bản phẩm, mạng viễn thông di động, mạng Internet…) lại do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép. 

Mặt khác, nội dung quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa lại do các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm.

Ví dụ, các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… do Bộ Y tế quản lý; thậm chí các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế còn phê duyệt toàn bộ nội dung kịch bản, hình ảnh, lời thoại của từng clip quảng cáo cho từng sản phẩm hàng hóa. 

Chất lượng sản phẩm hàng hóa quảng cáo bán hàng trên truyền hình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. 

Hàng giả, hàng nhái liên quan đến các sản phẩm hàng hóa quảng cáo, bán hàng trên truyền hình lại do lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công Thương quản lý.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vừa qua, Bộ đã phát hiện có tình trạng một số nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị gắn trong một số video có nội dung xấu độc trên YouTube, vi phạm quy định của pháp luật hiện hành như: sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha...

Các nội dung quảng cáo nói trên đều đã được đăng ký, kiểm duyệt và cấp phép quảng cáo tại thị trường Việt Nam, có nội dung lành mạnh và đã xuất hiện trên các báo điện tử, các đài truyền hình. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, vấn đề ở đây là các quảng cáo này lại được gắn trong các clip xấu, độc trên YouTube. "Bộ nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng cần xử lý kịp thời. Bộ đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm xử lý vụ việc này", ông Trương Minh Tuấn thông tin.

Cụ thể, ngay sau khi phát hiện các nội dung sai phạm, Bộ đã có văn bản cảnh báo tình trạng này đến các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo. Đồng thời cũng đề nghị các doanh nghiệp này báo cáo về tình trạng nêu trên. 

Hiện các doanh nghiệp cho biết đã tạm dừng quảng cáo trên YouTube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng vừa xảy ra.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam) để có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng này.

Các giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ theo dõi, rà soát yêu cầu Google gỡ bỏ, ngăn chặn các nội dung xấu, độc trên YouTube, đẩy nhanh tiến độ và số lượng nội dung được gỡ bỏ, ngăn chặn.

Tổ chức cuộc họp với một số doanh nghiệp lớn có sản phẩm quảng cáo và các đại lý quảng cáo để khẳng định những cam kết của các đơn vị này với Bộ trước sự chứng kiến của các cơ quan báo chí. 

Theo ông Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tập hợp các bằng chứng về hành vi sai phạm của Facebook để gây sức ép, buộc Facebook phải hợp tác với Bộ trong xử lý các nội dung xấu độc, sai phạm trên Facebook.

Các cơ quan báo chí cũng sẽ tiếp tục thông tin về những sai phạm của Facebook, Google, YouTube và các công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó tập trung vào các vấn đề kinh doanh trái phép, không đóng thuế, chứa nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam... để gây sức ép, buộc các đơn vị này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top