Có tình trạng một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải nhiều video clip, tin bài có nội dung thông tin xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.

Vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép (nếu có), thu hồi tên miền, hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là thông tin từ văn bản chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội vào ngày 18/4 tới của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Một số trường hợp sẽ phối hợp với công an

Một trong các vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng là việc xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.

Bộ trưởng cho biết, qua theo dõi, quản lý hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy có tình trạng một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải nhiều video clip, tin bài có nội dung thông tin xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.

Trong trường hợp xác định các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin sai phạm, thì tuỳ theo mức độ, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời, như đã nói ở trên.

Đối với thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin phản động từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam) thì việc phát hiện và xử lý khá phức tạp, do những trang tin phản động chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài, việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục, khiến việc chặn kỹ thuật phải luôn luôn theo dõi, thay đổi, chưa kể việc chặn nhiều sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền.

Những trường hợp này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý theo các quy định hiện hành - văn bản nêu rõ.

3 tháng phạt 400 triệu đồng

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu hai trường hợp cụ thể mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý trong tháng 12/2016.

Một là đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Đắc Lắc trong vụ việc xử lý cựu nhà báo Nguyễn Liên (từng là phóng viên tạp chí Nâm Nung, Đắc Lắc) đưa thông tin sai sự thật về việc giáo viên tỉnh Hà Tĩnh được điều đi tiếp khách.

Hai là phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre xử phạt vi phạm hành chính việc đối tượng Nguyễn Duy Khương tung tin bịa đặt về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê.

Kết quả tổng thể về kiểm tra, xử lý sai phạm được nêu tại văn bản: năm 2016, Cục Phát thanh -  Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 180 triệu đồng, nhắc nhở 14 trường hợp, tiến hành 2 đợt thanh tra hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng trang mạng xã hội và kiểm tra đối với 5 đơn vị có vận hành trang mạng xã hội.

Trong quý 1/2017, đã xem xét và xử lý 16 cá nhân và doanh nghiệp, phối hợp với sở thông tin và truyền thông các tỉnh thành, A68, A87 xử lý 20 trường hợp các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 400 triệu đồng.

Tăng quản lý trang mạng xã hội nước ngoài

Vẫn theo Bộ trưởng, trường hợp không xác định rõ nguồn gốc các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung qua biên giới vào Việt Nam thì việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái trên môi trường Internet là rất khó khăn. Vì vậy, việc xử lý thông tin vi phạm trên các trang mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Khi phát hiện thông tin vi phạm rõ ràng, nếu xác định được thông tin của tổ chức, cá nhân vi phạm, việc xử lý sẽ dễ dàng hơn. Trong trường hợp này Bộ sẽ phối hợp với sở thông tin và truyền thông các tỉnh thành để xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm trong nhiều trường hợp như vi phạm bản quyền, hoạt động gian dối trong thương mại hay các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm qua mạng, cạnh tranh không lành mạnh, thanh toán online... còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và truyền thông với Bộ Công an và các bộ quản lý chuyên ngành thì mới có thể xử lý được.

Văn bản cũng nêu rõ, ngày 26/12/2016, Bộ đã ban hành Thông tư số 38 có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2017. Đây là cơ sở để đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan quản lý để gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường công tác quản lý nội dung thông tin trên mạng cũng là một nội dung được Bộ trưởng đề cập.

Bộ trưởng cho biết, mới đây, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc tăng cường quản lý hoạt động trang thông tin điện tử và mạng xã hội nước ngoài, đồng thời cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo một số bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phân định, làm rõ phạm vi, trách nhiệm của từng bộ, ngành và xây dựng cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top