Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

“Cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm, vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4.

Vị lãnh đạo Viettel cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này, bởi “đây là cuộc cách mạng mà gọi nôm na là cái B sẽ thay thế cái A, nên tất cả những ông nào đang có A thì nguy cơ lớn hơn rất nhiều những ông không có A. Việt Nam mình đi sau, ba cuộc cách mạng trước chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi (đã có cái A) nên có dám bỏ nó đi không, chắc chắn rất khó”.

“Mình chưa có cái A mình làm ngay cái B, thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông nói.

Đặt câu hỏi thế nào là doanh nghiệp 4.0, ông Hùng ví von, mình cứ làm những gì ngược lại những thứ ai đó đang làm, thì đó là 4.0.

“Ví dụ như chúng ta đi mua cái máy điều hòa, nhưng bản chất có muốn mua máy điều hòa đâu, mà mình mua không khí lạnh. Nếu như bây giờ có ai cung cấp không khí lạnh cho gia đình tôi thì tôi mua ngay. Mua điều hòa 12 tháng thì mình dùng có ba tháng thôi, 9 tháng không dùng máy điều hòa đó mà vẫn phải trả tiền, vì nó tiếp tục hỏng, tiếp tục phải bảo trì… thì tự nhiên thành một “ông Uber” mới ngay”, ông nói.

“Hay ai cũng nói Internet là thành tựu vĩ đại của nhân loại và tất cả chúng ta đều nghĩ là như vậy. Nhưng ta lại không nghĩ rằng bây giờ Internet không dùng được, vì sao vậy? Vì chúng ta hỏi một câu hỏi thì có tới 10 nghìn câu trả lời và rất khác nhau, không được kiểm chứng, và vì thế không dùng được. Cộng với Google là công cụ chính để đưa các câu trả lời trên màn hình và là ông quảng cáo nên ai trả tiền nhiều thì được đẩy lên trên”.

Người đứng đầu Viettel nói: “Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”.

Theo ông, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được.

“Vì người Việt Nam rất giỏi phát động một cuộc cách mạng toàn dân. Nếu mình làm cuộc cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng toàn dân thì là lợi thế Việt Nam”, ông Hùng khẳng định.

“Thứ nữa, nếu mình nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế. Vì chúng ta, doanh nghiệp lớn gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thì đó là lợi thế của Việt Nam”.

“Chúng ta luôn nghĩ rằng Việt Nam rất khó đi trước, nhưng theo tôi, nếu lần này chúng tôi không đi đầu, không đi trước thì chúng ta không đón nhận được đó. Chúng ta chỉ đón nhận được nếu chúng ta đi đầu”.

Ông Hùng dẫn ví dụ về kết nối, như mạng viễn thông, là nền tảng quan trọng nhất của kết nối. “Việt Nam mất gần 20 năm để có mạng viễn thông 2G. Khi chúng ta xây dựng mạng 3G cũng mất gần 10 năm. Nhưng cho đến khi có 4G, Viettel lại làm được việc mà cả thế giới “kinh ngạc” là đã làm mạng viễn thông 4G với công nghệ mới nhất, phủ sóng đến vùng sâu vùng xa trong vòng 6 tháng”.

“Cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Còn cả thế giới làm 4.0 thì chúng ta có làm 4.0 thì bản chất cũng không có giá trị. Là vì lợi thế cạnh tranh mới tạo ra sự khác biệt. Còn nếu tất cả đều 4.0 hết thì 4.0 trở về không có giá trị”, Tổng giám đốc Viettel nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top