Quan xã lợi dụng quyền hạn chiếm quỹ đất quốc phòng, vụ việc này được người dân phản ánh và xảy ra tranh chấp từ nhiều năm nay. Đến khi có yêu cầu thu hồi đất làm dự án, để bảo vệ phần đất chiếm được thì các vị này dùng quyền lực lấy đất nông nghiệp của dân “tế thần”. Ai cho phép các quan chức xã tự ý chia chác đất quốc phòng sai mục đích? Khi bị phản đối thì họ lại đưa cảnh sát cơ động ra đối đầu với dân, đẩy mâu thuẫn của sự việc lên đỉnh điểm như hiện nay.

Sáng 15/4, chính quyền huyện Mỹ Đức đã dùng vũ lực bắt đi 15 người dân xã Đồng Tâm, đánh đập làm 1 thanh niên bị thương nặng (được cho là giữ vai trò chủ chốt trong việc đấu tranh khiếu kiện), khiến người dân nơi đây bức xúc chống trả lại lực lượng công an, được điều đến để vãn hồi trật tự. Kết quả người dân bắt giữ lại hơn 20 người gồm công an, và quân đội.


Người dân treo biển nhằm gửi thông điệp đến chính quyền đây là “Đất canh tác nông nghiệp của xã Đồng Tâm” tại một khu đất. Ảnh: Huyền My.

Theo quy hoạch đất Đồng Tâm có 3 phần: đất trường bắn, đất sân bay và đất nông nghiệp của bà con. Được biết, những năm 80 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười kí quyết định số 113 Ttg thu hồi 208 ha, trong đó có 47,36 là ha đất nông nghiệp của nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, để phục vụ cho dự án an ninh quốc gia, làm sân bay Miếu Môn và tạm bàn giao cho Lữ đoàn 28, thuộc D31 Quân chủng Phòng không – Không quân quản lí.

Năm 2007, Dự án làm sân bay Miếu Môn không khả thi nên Lữ đoàn 28 vẽ sơ đồ và cắm mốc giới bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm kí xác nhận và quản lí. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm xác nhận mốc giới, phân định rõ ràng giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp. Từ đó, Nhân dân xã Đồng Tâm hi vọng, sau khi được nhận bàn giao mốc giới sẽ được nhận lại đất để tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên người dân thì trông đợi mỏi mòn, còn số đất này không được hoàn trả lại mà được các lãnh đạo xã chiếm hữu tư lợi riêng, thậm chí họ còn lấy thêm đất quốc phòng nằm trong khu quy hoạch làm sân bay Miếu Môn để trục lợi. Một số cán bộ xã Đồng Tâm đã “xẻ” thịt hàng ngàn m2 đất để làm của riêng. Cũng từ đây người dân và chính quyền địa phương luôn mâu thuẫn và đã có nhiều lần người dân đi kiện các quan chức địa phương.

Khu đất ở đồng Sênh cắm biển “Đất ở đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm”. Ảnh: Huyền My.

Người dân tuyệt nhiên không dám sử dụng phần đất quốc phòng này, thế mà ông Nguyễn Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm và ông Lê Đình Thuần – Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm đang sở hữu rất nhiều đất. Chỉ riêng Sơn chiếm hữu 2.000m2 xây nhà làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình, phần còn lại ông Sơn đặt cây cảnh và cho cháu họ mượn trồng rau, nuôi lợn. Ông Sơn nói và thừa nhận căn nhà ông hiện nằm trên đất quốc phòng, cụ thể là đất thuộc quy hoạch xây dựng, mở rộng sân bay Miếu Môn.

Năm 2014, khi phóng viên báo Tiền phong đặt câu hỏi: “Tại sao biết là đất quốc phòng nhưng ông vẫn xây dựng?”. Ông Sơn trả lời: “Tôi chỉ dựng chứ không xây. Còn bao giờ dự án quốc phòng bắt đầu thì tôi nhờ họ cẩu cây cảnh đi và tôi sẽ chuyển nhà sàn đi nơi khác”. Khi được hỏi: “Cán bộ lãnh đạo làm như thế, người dân trông vào rồi làm theo thì sao?” Ông Sơn nói: “Người dân thấy đất quốc phòng nên không dám vào. Thế thì tôi vào. Coi như tôi mượn tạm, có lấn chiếm gì đâu”(!)

Ngoài ông bí thư xã, các “quan xã” khác như: phó bí thư thường trực, cán bộ văn phòng, chủ tịch Hội nông dân xã… cũng đều sở hữu mỗi người cả ngàn m2 đất, và đều trồng hoa màu, hoặc cho thuê…

Căn nhà sàn của ông Sơn trên mảnh đất 2.000m2 nằm trong dự án quốc phòng. Ảnh: Trần Thanh

Đến tháng 3/2015, Bộ Quốc phòng muốn thu hồi hơn 50 ha đất giao Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel sử dụng vào công trình quốc phòng A1. UBND Hà Nội chỉ đạo UBND xã Đông Tâm thu hồi đất của 14 hộ dân sản xuất trên đất quốc phòng (14 hộ này được Lữ đoàn 28 ký hợp đồng cho sản xuất trên phần đất quốc phòng, bù lại mỗi năm sẽ giao nộp sản phẩm cho họ), trong đó có cả khu đất đang được Bí thư xã và nhiều quan địa phương chiếm làm “của riêng”. Trước nguy cơ “mất đất, mất nhà”, UBND xã đã tự ý đi ngược với chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, thu hồi thay thế 6.8ha đất nông nghiệp của dân để giao cho Bộ Quốc phòng nên xảy ra mâu thuẫn tranh chấp. Phải chăng đụng chạm đến lợi ích cá nhân nên lãnh đạo xã Đông Tâm lại bất chấp tự ý đi ngược chỉ đạo của UBND TP, lấy đất nông nghiệp của dân để thay thế cho phần đất quốc phòng các ông đã chiếm hữu?

Vụ cưỡng chế đất ở huyện Mỹ Đức Hà Nội khiến dư luận hoang mang, liệu việc quan địa phương tự ý “tích tụ ruộng đất”, lấy đất công biến thành đất tư có đang là xu thế hay không? Có hay không cán bộ địa phương tự ý cướp đất dân làm giàu cho cá nhân và nhóm lợi ích, như trường hợp đang diễn ra tại xã Đồng Tâm hay các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Định? Nếu không xử lý triệt để những cá nhân lợi dụng chức vụ để tư lợi, rồi khi bị phản đối thì lại sử dụng công an, quân đội làm công cụ đối đầu với người dân, thì sẽ còn bao nhiêu vụ bạo động như trên tái diễn? Niềm tin của nhân dân còn biết đặt vào đâu?

Nguồn: FB Tôi Yêu Việt Nam

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top