Năm 2017, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội tại 2 Công ty Samsung điện tử Việt Nam ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

"Khảo sát không khách quan"

IPEN - tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Thụy Điển, cùng Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) vừa đưa ra báo cáo khảo sát về lao động làm việc tại các nhà máy của Samsung Việt Nam.

Phản hồi về kết quả khảo sát của IPEN, đại diện Samsung khẳng định, cáo buộc của IPEN không có cơ sở, hoàn toàn sai sự thật. "Báo cáo của IPEN chưa có cơ sở khoa học, mang tính quy chụp, bởi chỉ phỏng vấn 45 người trong số 160.000 lao động tại Samsung Việt Nam rồi đưa ra kết luận. Hơn nữa, nhiều nội dung trong báo cáo đều sai sự thật hoặc đưa ra một cách tùy tiện", ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, nói với VnEconomy.

Cũng theo ông Bang, báo cáo của IPEN cho rằng người lao động của Samsung không có hợp đồng lao động là hoàn toàn không đúng. Thực tế 100% nhân viên Samsung đều có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, công ty và bản thân người lao động mỗi bên giữ 1 bản. 

"Nếu không có hợp đồng lao động thì căn cứ vào đâu khẳng định đó là nhân viên của Samsung?", ông Bang bức xúc nói. 

Trả lời câu hỏi: Liệu rằng 45 nữ lao động ở khảo sát trên là kết quả của quá trình sử dụng lao động sai sót, không đảm bảo công bằng trong khâu quản lý lao động? Ông Trần Việt Hưng, Giám đốc truyền thông Công ty điện tử Samsung Việt Nam khẳng định không có chuyện đó.

"Chúng tôi luôn luôn kiểm tra khâu tuyển và sử dụng lao động hàng ngày nên đảm bảo không có chuyện đó", vị này nói.

Đã thanh tra Samsung và phát hiện một số sai phạm

Theo tìm hiểu của VnEconomy, trong năm 2017, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội tại 2 Công ty Samsung điện tử Việt Nam ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Theo kết luận thanh tra tại Công ty Samsung điện tử Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), thời điểm thanh tra vào tháng 7/2017, SEVT đã ký hợp đồng lao động với 71.528/71.528 lao động; tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho 67.468/67.468 lao động; tham gia bảo hiểm y tế cho 67.560/67.560 lao động thuộc đối tượng phải tham gia. Doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn.

SEVT đã thực hiện đúng các quy định về thời gian nghỉ ngơi; nghỉ lễ, Tết và nghỉ việc; số giờ làm thêm hằng ngày, hằng tuần, hằng năm. Công ty trả lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng; khám sức khỏe định kỳ một lần/năm cho lao động thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ và 2 lần/năm đối với lao động làm công việc nguy hiểm, là người cao tuổi.

SEVT đã thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ như: Không sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 trở lên, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa…

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, báo cáo của các tổ chức trên nói người lao động tại Samsung bị đối xử không tốt, phải làm tới mức kiệt sức, đi vệ sinh cũng bị hạn chế là chưa thuyết phục.

Tuy nhiên, kết luận này cũng chỉ ra một số sai phạm của Samsung tại cả hai nhà máy là về quy định thời gian làm việc.

Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành hai ca. Ca ngày 8-20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy lao động, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày.

Quy định này, theo Thanh tra Bộ là trái với Bộ luật Lao động 2012. Khi luật quy định giờ làm việc bình thường không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần (nếu theo tuần không quá 10h/ngày); giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30h/tháng, 200h/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300h/năm).

Trong khi đó, ca làm việc hàng ngày của Samsung kéo dài tới 12h/ngày, mỗi tuần (7 ngày) làm tới 60h.

Kiểm tra 50 bản hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động, nội dung trong hợp đồng lao động có thoả thuận không đúng quy định: "Công ty được quyền điều chuyển người lao động sang những bộ phận hoặc công việc thích hợp với khả năng của người lao động, phù hợp với yêu cầu sản xuất của công ty".

Do đó, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu SEVT phải hủy bỏ quy định "Công ty được quyền điều chuyển người lao động sang những bộ phận hoặc công việc thích hợp với khả năng của người lao động, phù hợp với yêu cầu sản xuất của công ty"; áp dụng thời gian làm việc theo ca theo quy định tại Điều 104 và Điều 108 Bộ Luật lao động năm 2012. 

Đồng thời, Samsung phải sửa đổi một số nội dung của nội quy lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top