Liên quan đến quan điểm có thể sáp nhập một số bộ, ngành để nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy, sáng 2/11 bên hàng lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Phục vụ giám sát tối cao về vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước, vừa qua, Chính phủ đã tiến hành rà soát tổ chức các bộ ngành, chỉ ra 9 điểm còn chồng lấn trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, trong đó có phần trùng lặp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính. Bộ trưởng nghĩ thế nào về chủ trương sáp nhập một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng?

Vấn đề đó chưa ai bàn cả. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội nói là có thể đề xuất tuy nhiên việc này phải nghiên cứu kỹ, một cách thận trọng để đảm bảo chuyện nhập hay không nhập phải dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, có phương pháp luận và phải đảm bảo yêu cầu bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách.

Do thể chế kinh tế của mình, trình độ phát triển của mình, chủ trương đường lối của mình mà tổ chức bộ máy với các chức năng nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình của đất nước và thực tế của thế giới.

Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tương lai có thể tập trung làm những vấn đề vĩ mô, chiến lược, cơ chế chính sách, có tính chất hoạch định tham mưu cho Đảng những vấn đề về định hướng phát triển.

Nhiều ý kiến phân tích lại cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính có một số chức năng nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách đôi khi vẫn "vênh" nhau. Vậy nên, sáp nhập trong trường hợp này để thống nhất, tinh gọn đầu mối sẽ hiệu quả hơn?

Tôi cho rằng ý kiến này cũng không hoàn toàn chính xác đâu.

Vấn đề này phải nói theo chức năng nhiệm vụ chứ đừng nói bộ với bộ. Chức năng nào, nhiệm vụ nào thì thuộc bộ ấy.

Có thể dẫn chứng nhiều chức năng, nhiệm vụ có sự chung nhau giữa hai bộ, như trong việc quản lý đầu tư công, quản lý nợ công… thưa Bộ trưởng?

Không, hai vấn đề quản lý khác nhau chứ. Không có gì gọi là chồng chéo cả. Việc ai người đó làm, phân định tương đối rõ.

Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính là làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên.

Nhưng có một thực tế là mô hình tổ chức cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính hiện không còn nhiều nước áp dụng?

Hiện nay vẫn còn một số nước áp dụng, có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển… Ở các nước người ta thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế. Như Trung Quốc người ta gọi là Uỷ ban Phát triển Tài chính. Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này.

Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường nên vấn đề tổ chức bộ máy trước đây là yếu tố lịch sự, từ Uỷ ban Kế hoạch là Uỷ ban Kiến quốc do Bác Hồ thành lập ban đầu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top