Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng sản phẩm Việt Nam cơ bản tốt nên mới xuất khẩu được, song đâu đó vẫn còn có những "con sâu làm rầu nồi canh", nên phải nâng cao quản lý chất lượng sản phẩm để mở đường cho xuất khẩu.

Một rò rỉ nhỏ có thể làm đắm cả một con tàu!

Ngày 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo về tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2017, cơ hội, thách thức và những giải pháp cho xuất khẩu năm 2018, cùng với việc tổng hợp ý kiến từ các Bộ ngành, các hiệp hội và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quan trọng.

Theo đó, Thủ tướng đưa ra 5 vấn đề lớn với xuất khẩu Việt Nam. Thứ nhất là những tồn tại về thể chế, thủ tục hành chính.

Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề nổi cộm, các Bộ, ngành, địa phương cần phải tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt không chỉ trong công tác thông quan, hậu kiểm mà phải còn sửa đổi một số văn bản pháp lý liên quan đến xuất khẩu như thuế VAT, thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

"Đây chính là khâu ách tắc về thể chế cần phải tháo gỡ. Để giải quyết vấn đề này, ngoài thực hiện tốt Nghị quyết 19 còn phải thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chứng từ thương mại. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát vào những vấn đề đang nóng hổi hiện nay để giải quyết", Thủ tướng nói.

Tồn tại thứ hai ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam theo Thủ tướng là chi phí. Người đứng đầu Chính phủ ví von, có thể một rò rỉ nhỏ của con tàu có thể làm chìm hẳn một con tàu.

Thủ tướng cho rằng, chi phí cao thì không thể cạnh tranh được, nên vấn đề giảm chi phí là rất quan trọng. Hiện nay, chi phí logistic, chi phí vốn còn quá lớn, bên cạnh đó còn có chi phí thủ tục, tiền lương và đặc biệt là chi phí không chính thức.

"Với một nước xuất khẩu thì chi phí rất quan trọng, chỉ khi các loại chi phí giảm thì mới cạnh tranh được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Vấn đề thứ ba theo Thủ tướng cần phải cải thiện, nâng cao là việc quản lý chất lượng sản phẩm. Thủ tướng cho rằng, mặc dù chất lượng sản phẩm Việt Nam tốt nên mới xuất khẩu được, song đâu đó vẫn còn có những "con sâu làm rầu nồi canh".

Lấy ví dụ cụ thể từ vụ nhuộm đen cà phê bằng pin, hay dùng than tre làm thuốc chữa ung thư, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, nâng cao quy trình quản lý chất lượng sản phẩm hiện nay.

"Trung Quốc gần đây đã tử hình một số vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, cho nên chúng ta cũng phải tạo nên một phong trào cách mạng trong nhân dân về an toàn thực phẩm, kể cả sản phẩm xuất khẩu hay sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam", Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ tư đặt ra đối với xuất khẩu là năng lực sản xuất sản phẩm đang tốt nhưng nhu cầu thị trường rất quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, phải có định hướng thị trường, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để từ đó sản xuất đúng cái mà thị trường cần thì mới có thể thắng được.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội phải phát huy vai trò lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề xuất khẩu.

Đặc biệt, các hiệp hội phải hoạt động một cách bài bản để thông tin cho nhau, cùng tham gia, cùng phát triển. "Phải túm lại mà làm, chứ tách ra thì không thể làm được".

Bộ Công Thương phải tiếp tục trả lời 5 câu hỏi lớn

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục trả lời 5 câu hỏi: Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu?

Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu?

Thứ ba, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu?

Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa như thế nào? Những hiệp định, ưu đãi thuế nào có liên quan đến sản xuất trong nước?

Thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay? Là ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba?

Thủ tướng nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong năm nay và những năm tiếp theo, tình hình quốc tế đang thay đổi, cạnh tranh lớn nên nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là phải thay đổi tư duy chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15-20% đã đề ra.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top