Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng 5 phương án đối với việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
5 phương án cho BOT Cai Lậy
Phương án 1: Bộ Giao thông Vận tải sẽ giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm (giảm khoảng 30%, phương tiện nhóm 1 từ 25.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh; thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 15 năm 9 tháng.
Ưu điểm phương án này là không phải bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Phương án này còn giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy.
Phương án 2: Sẽ lập thêm một trạm thu giá trên tuyến tránh, thu giá cả hai trạm trên tuyến tránh và trên quốc lộ 1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng với mức giá trên tuyến tránh là 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1, trên tuyến quốc lộ 1 là 15.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1.
Thực hiện phương án 2 sẽ giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới khoảng 90 tỷ đồng. Đồng thời, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi qua quốc lộ 1 do mức giá trên quốc lộ 1 thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy.
Phương án 3: Giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, mức giá 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1, thời gian thu giá khoảng 7 năm 7 tháng. Với phương án nay, thời gian thu giá hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng. Ưu điểm của phương án là khả thi về tài chính, không phải bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Phương án cũng làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy. Với phương án này, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc đặt trạm là đúng quy định để có sự đồng thuận.
Phương án 4: Chỉ đặt trạm thu giá trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực hiện phương án này Nhà nước phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019.
Bên cạnh đó, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé hoặc giá vé cao hơn, đặc biệt là phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong thị xã Cai Lậy.
Phương án 5: Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm thu giá Cai Lậy và dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký, thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng). Số tiền thanh toán hàng năm (đã bao gồm lãi vay phát sinh) trong thời gian từ 2019 - 2029 khoảng 2.026 tỷ đồng.
Ưu tiên giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, qua thanh tra, kiểm toán và kết quả tự rà soát, đánh giá lại của Bộ Giao thông Vận tải, việc đặt trạm thu giá tại vị trí hiện nay là phù hợp quy định pháp luật.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ưu tiên một là lựa chọn phương án 1 nêu trên.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, việc quyết định phương án xử ý trạm Cai Lậy sẽ ảnh hưởng đến các dự án tương tự trong việc thu giá dịch vụ (5 dự án có đầu tư tuyến tránh, thu giá trên đường hiện hữu và 4 dự án thu giá dịch vụ đồng thời trên đường hiện hữu và trên tuyến mới) nên cần được xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Đảng.
Đồng thời, tránh việc kích động, lôi kéo lan rộng đến các dự án BOT khác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian tới.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy được lập ra để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Từ 1/8/2017, BOT Cai Lậy chính thức thu phí. Tuy nhiên, trạm thu phí này vấp phải sự phản đối của người dân vì cho rằng đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 thu phí cho tuyến tránh là bất hợp lý. Họ dùng tiền lẻ, tiền xu… trả phí để cố tình kéo dài thời gian, buộc phải xả trạm.
Ngày 4/12, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí một tháng và giao Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang xử lý cụ thể trên tinh thần hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân.
Post a Comment