Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo về tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết ngày 16/2 (tức mùng 5 Tết), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân vẫn hạn chế đi mua sắm, nhu cầu tiêu dùng chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 22 Tết (ngày 3/2/2021), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên (phục vụ lễ ông Công, ông Táo) nhưng do lo ngại dịch bệnh nên hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước.

Đến ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. 

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao, giá tương đối thấp. 

"Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020", Bộ Công Thương cho hay.

Việc sức mua trong dịp Tết Tân Sửu tăng rất thấp so với những tháng trong năm như báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ vẫn đang chịu tác động tiêu cực của Covdi-19. Cụ thể, trong một báo cáo phát hành trước thời điểm Tết Nguyên đán, đơn vị nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI (SSI Research), cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên ngành bán lẻ trong năm 2020.

Cụ thể, điều này được thể hiện qua các yếu tố: chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu giảm, lượt khách tới cửa hàng giảm, các cửa hàng không thiết yếu bị buộc phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chi tiết hơn, theo SSI Research, như tổng mức bán lẻ 11 tháng đầu năm 2020 đạt 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ - thấp hơn so với mức trung bình 5 năm gần đây khoảng 10-12%. Tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) 9 tháng đầu năm 2020 qua kênh truyền thống giảm (-9,4%) so với cùng kỳ và qua kênh hiện đại tăng 6,4% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng trưởng tương ứng của năm trước là 3,5% và 17,1%...

Qua báo cáo tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Bộ Công Thương, một số khía cạnh được xem là tích cực, như trong dịp Tết vừa qua, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. 

Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý... 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top