Các nhà nghiên cứu cho rằng, siêu mặt trăng khiến con người mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là những người đang gặp vấn đề về tâm lý.
Hiện tượng siêu mặt trăng (supermoon) ngày 14/10 đang được dư luận hết sức quan tâm bởi đây là thời điểm mặt trăng đến gần trái đất nhất trong 70 năm qua. Xung quanh hình ảnh đẹp của siêu trăng, thông tin về tác động của “trăng tròn cận điểm” tới sức khoẻ của con người cũng được quan tâm không ít.
Tác động của siêu trăng đến sức khoẻ con người vẫn còn nhiều bí ẩn. Ảnh: Telegraph
Nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng giải mã mối liên hệ giữa mặt trăng và các hành vi bất thường của con người. Tuy nhiên đến nay tác động của siêu trăng đến sức khoẻ con người vẫn còn nhiều bí ẩn.
Một nghiên cứu công bố trên tờ World Journal of Surgery năm 2011 chỉ ra rằng, hơn 40% nhân viên y tế tin rằng mặt trăng tròn tác động đến hành vi của con người. Năm 2007, cảnh sát ở Sussex cho biết họ phải tăng cường lực lượng tuần tra trong các đêm trăng tròn bởi một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có mối liên hệ giữa các vụ bạo động và đêm trăng tròn.
Giả thuyết khác thì cho rằng các chất lỏng trong cơ thể con người bị tác động bởi sự chuyển động của mặt trăng giống như lực hấp dẫn của mặt trăng điều khiển thuỷ triều vậy.
Những tác động này có thể dẫn tới sự rối loạn, đặc biệt là rối loạn chức năng kiểm soát hành vi của não bộ dẫn đến những cảm xúc cực đoan, những hành vi bất thường của con người.
Đến nay vẫn chưa có các minh chứng rõ ràng về tác động của trăng tròn đến những hành vi bất thường của con người như tâm thần bất ổn, điên loạn, tự tử, phạm tội.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Niall McCrae, giảng viên tâm thần học của Đại học Hoàng gia London cho rằng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua các tác động của trăng tròn đến sức khoẻ.
Mặc dù ông đồng tình với quan điểm rằng trăng tròn tác động đến các chất lỏng trong cơ thể người giống như thuỷ triều là vô căn cứ, tiến sĩ McCrae cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của trăng tròn đến giấc ngủ là minh chứng cho thấy chúng có tác động đến bộ não.
Một nghiên cứu được công bố năm 2013 của các nhà nghiên cứu Thuỵ Sỹ chỉ ra rằng, trung bình mỗi người ngủ ít hơn 20 phút so với bình thường trong những đêm trăng tròn. 20 phút có vẻ không nhiều nhưng điều khác lạ này có thể lý giải về sự liên kết giữa chứng mất trí và chu kỳ trăng tròn.
Hình ảnh một siêu mặt trăng chụp từ Argentina. Ảnh: Telegraph
“Với những người gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, việc mất ngủ có thể gia tăng sự căng thẳng về tâm lý”, tiến sĩ McCrae nói.
Theo Tiến sĩ McCrae, bệnh viện tâm thần sẽ là nơi minh chứng cho tác động của siêu trăng đến tâm thần con người. Trong khi 1-2 bệnh nhân có thể giữ sự tỉnh táo thì ánh trăng có thể khiến phần đông bệnh nhân còn lại cảm thấy khó chịu, có thể dẫn đến kích động tinh thần, hành hung nhau.
Trước đó, một nghiên cứu công bố trên tờ Journal of Affective Disorders năm 1999 cho rằng trước lúc đèn điện ra đời, trăng là nguồn chiếu sáng quan trọng vì thế ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Họ tin trăng tròn dẫn đến mất ngủ cùng những biến động ở bệnh nhân mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc động kinh. Năm 2013, một nghiên cứu nhỏ trên 33 tình nguyện viên trưởng thành phát hiện con người ngủ ít hơn trong đêm trăng tròn dù không hề hay biết về chu kỳ trăng.
Vì vậy, sau khi ngắm trăng và vào nhà đi ngủ, tốt hơn hết bạn hãy kéo kín rèm cửa để ánh trăng không chiếu vào nhà.