Tôi luôn muốn chồng biết lo lắng cho tương lai. Hàng tháng tôi không cần anh phải đưa thật nhiều tiền, vì biết chồng làm trong quân đội, hưởng lương nhà nước, không thể có lương cao như người khác. Anh không đánh đập, chửi mắng, rượu chè, cũng không hút thuốc, nhưng tôi không thể chấp nhận được tính cách của chồng và thấy cần thay đổi. Anh bảo thủ, biết sai nhưng vẫn cố chấp mình luôn đúng, không có lập trường, ít ngoại giao nên không có chí tiến thủ; hàng tháng đưa vợ 4-5 triệu coi như hoàn thành nhiệm vụ và không cần biết chi tiêu thế nào.
Tôi làm kinh doanh, lương bổng không ổn định nên suốt ngày lo lắng. Còn chồng không hề lo lắng hay suy nghĩ gì cho cuộc sống. Nói đến chuyện đi tìm căn nhà để ở là thấy không chút hợp tác nào với vợ. Trời mưa gió, biết vợ đi mà vẫn để vợ đi một mình. Nhiều khi stress, tôi nghĩ ly hôn cho khỏe nhưng biết sẽ không được. Có thể do tôi hi vọng nhiều rồi thất vọng nhiều. Giờ tôi nhìn chồng toàn thấy điểm tiêu cực. Mong sự chia sẻ từ chuyên gia và mọi người. Tôi xin cảm ơn.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thanh gợi ý:
Chào Lê,
Hiện tại bạn chỉ thấy ở chồng những điểm tiêu cực. Chính cách nhìn và cách nghĩ ấy, bạn sẽ càng căng thẳng, thậm chí có thể đe dọa đến hạnh phúc gia đình.
Chồng ít hơn bạn một tuổi không phải lý do để bạn tự nhận định rằng mình là người phải lo toan, vun vén mọi chuyện trong gia đình. Bạn đang tự biến mình thành trụ cột trong nhà. Với bạn, nhiệm vụ đó còn nhiều thách thức, khó khăn. Bạn càng gồng mình cố gắng, mọi thứ càng trở nên mệt mỏi. Bạn cáu bẳn, giận dỗi chồng nhiều khi cũng vì bạn ôm đồm quá nhiều.
Chồng bạn công tác trong quân đội. Đặc thù nghề nghiệp, môi trường làm việc đôi khi ảnh hưởng nhiều đến tính cách của anh ấy. Quân đội đòi hỏi kỷ luật, nghiêm khắc, đặc biệt môi trường nhà nước khó để chồng bạn có thu nhập gia tăng.
Bên cạnh đó, thay đổi tính cách, thói quen hành động của một người không phải điều dễ dàng. Hơn hết, chính bạn cần học cách chấp nhận thực tế, với ngưỡng cuộc sống mà mình có thể đạt tới. Điều này không đồng nghĩa với việc tôi khuyên bạn chấp nhận cuộc sống không phấn đấu, vươn lên. Mà mục đích là muốn bạn giảm bớt lo lắng, áp lực bắt mình (gia đình mình) phải trở thành hình mẫu lý tưởng, hoàn hảo.
Chồng bạn có thực sự khô khan, không quan tâm, thương yêu vợ con không, hay anh ấy chỉ chưa biết cách thể hiện điều đó? Ví dụ, ngày mưa gió, bạn đi ra ngoài một mình, nếu lo sợ, bạn cứ thẳng thắn nhờ chồng đưa đi. Đôi khi đàn ông không nghĩ quá nhiều và phức tạp đâu. Bạn muốn dựa dẫm, nhờ chồng giúp điều gì, nên thẳng thắn nói ra với anh ấy.
Hiện nay bạn làm kinh doanh, thu nhập bấp bênh. Vậy bạn có thể tìm một công việc ổn định trong ngày hoặc nửa ngày, sau đó kinh doanh thêm để có mức thu nhập ổn hơn. Vợ chồng bạn có một con hơn 2 tuổi, có thể trong vài năm tới, bạn sẽ có thêm bé nữa. Nếu bây giờ gia đình bạn không có kế hoạch cải thiện chi tiêu, thu nhập trong gia đình, sau này mọi thứ sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, nên có nguồn thu ổn định duy trì cuộc sống hàng ngày.
Chồng bạn có thể hỗ trợ vợ những việc anh ấy làm được, thậm chí nhận việc làm thêm ở nhà trong khả năng cho phép. Tất cả điều này phụ thuộc vào cách thức vợ chồng bạn sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình.
Để không khí gia đình thay đổi, chính bạn cần giảm bớt áp lực của bản thân. Bạn không cần thiết trở thành người vợ quá hoàn hảo, đảm đang, biết quán xuyến, đối nội đối ngoại. Đôi khi, hãy lùi về hậu trường và để chồng làm, dù kết quả có không được chu toàn như bạn muốn. Có như vậy, chồng bạn mới có cơ hội tham gia mọi chuyện trong gia đình. Còn nếu cứ nghĩ vì chồng không biết lo toan gì nên bạn đứng ra lo hết, dần dần bạn sẽ phải gánh vác mọi việc một mình.
Vợ chồng nên học cách lắng nghe. Bạn chia sẻ rằng chồng là người bảo thủ, không chịu chấp nhận cái sai. Nhiều khi bạn không cần vạch rõ trắng đen, đúng sai. Bởi anh ấy đã biết sai, chỉ là không dễ dàng thừa nhận mà thôi. Bạn càng khéo léo, chồng càng biết ơn bởi sự tôn trọng đó.
Hai bạn đang ở giai đoạn đầu hôn nhân và đang học cách chấp nhận nhau. Khi đã thực sự hiểu nhau, thông cảm cho cả những điểm mạnh, yếu của nhau, các bạn mới đồng lòng để vun vén và tạo ra nhiều tài sản tích lũy giá trị. Hơn hết đừng để mất đi sợi dây kết nối tình cảm giữa hai vợ chồng. Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc.
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.