Tôi độc thân, là thế hệ giữa của 8X, luôn sống với tinh thần "nếu chi tiêu hợp lý thì việc mua nhà không phải chuyện ảo tưởng".
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tự thi tuyển vào cơ quan nhà nước với lương tháng bốn triệu đồng năm 2010. Thời đó, tôi chỉ đủ chi tiêu cho bản thân và cố gắng củng cố công việc. Sau một vài năm, thu nhập cũng tăng cùng mối quan hệ và kinh nghiệm, tuy vậy chỉ đủ chi tiêu cá nhân và tặng bố mẹ chút ít hàng tháng. Tôi bắt đầu kiếm việc tăng thu nhập và lựa chọn làm thêm việc liên quan đến chuyên ngành đã học hoặc công việc chính đang làm.
Cứ như vậy, đến ngày số dư tài khoản có khoảng một tỷ đồng, tôi đi xem nhà, hai năm sau đó chốt mua căn hộ phù hợp với mức giá 2,3 tỷ đồng và trả thẳng bằng tiền mặt. Lúc mua nhà, tôi thiếu 400 triệu đồng, phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Tôi dọn nhà đầu năm 2020 thì dịch Covid bùng phát đến nay. Do quản lý đời sống cá nhân, công việc và tài chính tốt, đến cuối năm 2020 tôi trả hết 400 triệu đồng. Vì tập trung trả nợ nên khi dọn nhà tôi lựa chọn phương án trang trí nội thất cuốn chiếu. Tôi mua sắm đồ dùng cơ bản trước rồi đến những thứ linh tinh, với lối sống đơn giản nên tôi tối giản đồ dùng trong nhà.
>> Vợ chồng mua được nhà ở thành phố lớn sau sáu năm
Sau khi trả nợ, mua sắm đồ đạc đầy đủ, ổn định cuộc sống ở nhà mới, từ năm 2022 tôi tiếp tục tích lũy và dự định mua thêm bất động sản. Nếu may mắn, tầm 40 tuổi tôi có thu nhập thụ động bên cạnh thu nhập từ công việc như hiện tại, đồng thời có mục tiêu mới có động lực phấn đấu. Nhìn lại chặng đường thanh xuân hơn chục năm chăm chỉ làm việc, vẫn đi du lịch vài lần mỗi năm, tặng bố mẹ tiền hàng tháng, tôi thấy mình đã không phụ công ơn của đấng sinh thành. Bố mẹ giờ rất yên tâm về tôi, tôi có kết hôn hay độc thân cũng có nơi "đi để trở về", tài sản nho nhỏ để phòng rủi ro trong cuộc sống và quan trọng là tự lập tương đối ổn.
Bên cạnh đó, từ khởi điểm thu nhập khoảng bốn triệu đồng mỗi tháng, giờ tăng lên 10 lần rồi, trong khi thói quen sống căn bản nên tôi không chi tiêu bao nhiêu. Trước giờ tôi quan trọng ăn uống nên chi nhiều cho thực phẩm sạch, còn quần áo, túi xách, giày dép... chỉ phù hợp những nơi cần đến, chứ không cần hàng hiệu hay số lượng nhiều. Tôi vẫn đi du lịch và cà phê nhưng đó cũng là khoản chi phí cứng hoạch định trong tháng như tiền điện, nước, internet... Khi tính toán các khoản chi tiêu cho vật chất lẫn tinh thần phù hợp với mức thu nhập thì vẫn có đời sống căn bản và tạo ra được tài sản tích lũy.
>> Dịch Covid khiến tôi lao đao với việc mua nhà trả góp
Quá trình tìm nhà, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm như "thu nhập không đua nổi giá nhà", "tiết kiệm chi tiêu không đuổi kịp lạm phát"... nhưng quan trọng là chỉ có chăm chỉ lao động mới tạo ra vật chất. Do đó, tùy vào nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà cân đối chi tiêu. Nếu nhu cầu chi tiêu nhiều thì phải làm nhiều để đảm bảo an toàn và phòng chống rủi ro cho đời sống bản thân và gia đình.
Hiện tại, căn hộ của tôi lên giá khoảng ba tỷ đồng. Cuộc sống tôi không bị áp lực về công việc, tài chính, nhưng ngoài đầu lương công việc chính, bản thân vẫn duy trì làm thêm việc bên ngoài, cơ bản chủ động được công việc, linh hoạt thời gian hơn cho đời sống cá nhân, chăm nom bố mẹ và công việc. Tôi chia sẻ bài viết là muốn kể thêm về câu chuyện làm sao để mua nhà, góp thêm một cách sống ở TP HCM, không dám nghĩ mình chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi người trưởng thành trong những điều kiện và môi trường khác nhau, chỉ có họ mới biết cách để thực hiện mục tiêu của bản thân. Đọc tới đây, mong các bạn đừng lời ra tiếng vào kiểu ham làm việc rồi thành gái ế, hay lấy chồng muộn rồi khó sinh đẻ... bởi việc của chúng ta là cố gắng sống tốt, còn có những chuyện tùy duyên, tùy hỉ và nhân quả.
Hằng
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc