Giờ tôi vẫn sợ người nói to, cảm giác họ sắp đánh mình, sau đó đem chuyện xấu từ bé đến lớn của tôi kể cho cả thế giới.
Tôi là người phụ nữ ngoài 30 tuổi, nhìn bên ngoài dường như có nhiều thứ khiến nhiều người mơ ước, nhan sắc ưa nhìn, gia đình giàu có, có bằng thạc sĩ trường top đầu thế giới, kiếm ra tiền và đang tận hưởng cuộc sống độc thân với những trải nghiệm khiến nhiều người ghen tị. Ít ai biết rằng, mỗi ngày tôi đều không thể ngủ ngon vì không vượt qua tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Khi tôi còn nhỏ, gia đình khá nghèo nên ba má tìm đường sang nước ngoài lao động, tôi được ông bà chăm sóc. Quãng thời gian hạnh phúc đó kéo dài khoảng năm năm thì gia đình ông bà bất ngờ xảy ra chuyện, tôi phải chuyển sang ở cùng vợ chồng cô chú. Từ đây, quãng thời gian không êm đềm của tôi bắt đầu.
Tôi nhớ như in ngày cuối thu năm đó, đi học về, ông bảo tôi tắm rồi ăn cơm nhanh lên, lát chú sang đón. Tôi cứ nghĩ sang đó chơi thôi, không ngờ sang nhà chú đã thấy quần áo được chở sang từ bao giờ. Mọi người bảo từ bây giờ tôi không được quay lại ở nhà ông nữa. Mọi thứ bất ngờ ập đến không một lời báo trước như vậy. Nhà cô chú có điều kiện nên riêng khoản ăn uống, học hành tôi đều được lo chu đáo. Công bằng mà nói, nếu không nhờ cô chú tôi sẽ không có ngày hôm nay. Phải nói thêm rằng, tôi từ nhỏ đã là đứa khá tự giác, ngoan, học tốt, tất nhiên cũng có những lỗi như bao đứa trẻ khác, ví dụ như đi học về là tót đi chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm, hay là thi thoảng quên không cắm cơm. Tuy vậy, tôi cũng chỉ bị ông bà nặng lời vài câu hay lỗi nặng lắm sẽ bị phết cho vài cái vào mông bằng đũa.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ cô chú lúc đó còn khá trẻ, chưa có con nhưng lại phải chịu trách nhiệm với một đứa trẻ sắp tới tuổi dậy thì bướng bỉnh, vì thế họ sốc chăng? Một đứa trẻ sẽ không thể giống như từ sách giáo khoa bước ra, cảm giác như lúc đó bất cứ điều gì tôi làm lệch chuẩn đều được uốn nắn bằng bạo lực. Làm văn không hay, đánh! Cầm đũa sai cách, đánh! Ăn thịt gà bỏ da, đánh! Ăn rau không chấm nước mắm, đánh! Mỗi ngày bước chân về nhà tôi luôn hoang mang, không biết hôm nay mình sẽ bị đánh vì lí do gì. Cô tôi là người không thể kiềm chế được cảm xúc nên có những hôm vừa bước chân vào nhà, chào đón tôi là một cái tát nổ đom đóm mắt, sau đó là túm đầu đập bình bịch vào tường, tiếp theo là yêu cầu nằm ra giường và lấy chổi đánh đến khi gãy cán thì thôi. Mỗi trận đòn như vậy kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, kèm theo rất nhiều lời la hét, mạt sát.
Bạn sẽ hỏi tôi lúc đó tôi làm gì? Tôi chẳng biết phải làm gì. Khi phải đối mặt với một người đang mất kiểm soát và hứng chịu cơn đau thể xác, tôi không biết đâu mới là hành động đúng. Họ liên tục la hét, đặt câu hỏi nhưng đâu phải để bạn trả lời. Bạn phải nói điều họ muốn nghe, không quan trọng có phải sự thật không, nhưng làm sao để biết đâu là điều họ muốn nghe? Đứa trẻ như tôi quá nhỏ để hiểu, nên tôi liên tục bị ăn tát thêm vì trả lời sai. Vừa đánh, tôi vừa nghe thấy những câu kiểu xúc phạm nặng nề.
Là một đứa bướng bỉnh, tôi không bao giờ khóc òa lên hay nói lời xin lỗi khi chưa thấy mình sai. Tôi luôn im lặng, lì lợm chịu đòn bằng khuôn mặt không cảm xúc. Những trận đòn như vậy một tuần có thể ba, bốn lần, có thể nhiều hơn, nhưng chỉ kết thúc khi chổi gãy cán hoặc cô tôi quá mệt để tốn thêm sức lực ở tôi nữa. Sự đau đớn thể xác không kinh khủng bằng việc bị bêu rếu lỗi sai của mình khắp mọi nơi.
Tôi nhớ y nguyên có những lần tự nhiên bị gọi sang nhà hàng xóm không quen, sau đó bị vợ chồng nhà họ, cùng với cô tôi giáo huấn về một lỗi nào đó tôi phạm phải. Hay như có lần tình cờ gặp người đồng nghiệp cùng cơ quan của cô, người đó quay sang hỏi cô tôi: "Đây có phải con bé hôm trước bị đánh vì abc không"? Bây giờ khi lớn, tôi biết việc các bậc phụ huynh kể chuyện con cái mắc lỗi cho nhau nghe là khá bình thường, nhưng với tâm hồn non nớt lúc đó, mỗi lần gặp người lạ trong tình huống như vậy, giống như bạn bị đưa đến một nơi xa lạ rồi bị chỉ trỏ, soi mói, luôn cảm giác sau lưng bạn họ đang bàn tán.
Khi đó tôi cũng luôn tự hỏi sao không ai bảo vệ tôi? Tại sao vài tháng má mới gọi điện cho tôi một lần mà luôn là những câu kiểu vì con mà ba má phải vất vả đi làm từ 4h sáng. Ông cũng thi thoảng gọi điện động viên tôi, dặn dò rằng "ở nhờ" nhà cô chú thì phải ngoan. Phải nói thêm rằng điện thoại bàn lúc đó còn chưa phổ biến và cước khá cao nên tôi bị cấm gọi điện thoại ra ngoài. Tôi không hiểu sao tất cả sự vất vả, bất hạnh mà mọi người phải chịu đều là do lỗi của tôi.
Việc thay đổi môi trường sống đột ngột rồi chuyển trường, ngộp thở chống chọi với mọi thứ một mình khiến một đứa bé chưa được 10 tuổi như tôi kiệt sức. Những tháng đầu tiên còn chưa quen, mỗi khi bị đánh đòn tôi chỉ nghĩ cố lên, cố chịu đi rồi khi cô mệt mọi chuyện sẽ kết thúc thôi. Sau đó, tôi nhận thức được những tháng ngày tươi đẹp như hồi còn ở cùng ông bà sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Mỗi lần bị đánh, tôi đều lì lợm và thách thức, đưa đầu ra chịu đòn, mong có một phép màu nào đó để tự nhiên mình có thể không tồn tại để không bao giờ những chuyện này lặp lại. Có lẽ thái độ bướng bỉnh đó đã khiến cô phải gọi tôi là đứa bệnh hoạn, bình thường trốn chui trốn lủi, khi gặp chuyện mặt cứ lì ra.
Nơi quen thuộc với tôi trong căn nhà lúc đó là phòng thờ, nơi có thời gian tôi lại trốn vào đó khóc một mình, nhiều lần nghĩ chuyện dại dột. Xong xuôi, tôi lại xuất hiện với khuôn mặt vô cảm như bình thường. Thời gian trôi thật mau, thấm thoát cũng đến lúc lên đại học, ra thành phố lớn, đi nước ngoài và gặt hái được nhiều thành công. Chỉ tôi biết rõ, tâm hồn mình vẫn luôn ở lại quãng thời gian ấy, tự hỏi mình là ai, tại sao tồn tại, vì sao ai cũng bỏ rơi mình?
Tôi luôn cảm giác mọi người bàn tán về mình như thứ gì đó kinh khủng lắm, rồi tìm cách xa lánh tôi. Chính vì vậy, tôi hay từ chối kết thân với người khác, từ chối kết hôn dù những chàng trai đến với tôi đều là người tốt. Tôi phải làm gì bây giờ?
Khánh Thi
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc