Tôi có quá khó tính không khi yêu cầu chồng dành thời gian và chủ động hơn với gia đình.
Tôi có ba con, bạn lớn 10 tuổi, bạn nhỏ 3 tuổi, bạn út 6 tháng. Hầu như không nhờ được ông bà hai bên vì ở xa. Kinh tế gia đình tôi khá tốt, thu nhập hàng tháng trên 100 triệu đồng, có tích lũy, có nhà, đất, có xe và tôi thuê giúp việc toàn thời gian để hỗ trợ việc nhà. Thu nhập chủ yếu từ phía tôi. Tôi không áp lực chuyện tiền nong và luôn khuyến khích chồng đi làm dù thu nhập thế nào, luôn ủng hộ và hỗ trợ chồng trong công việc.
Dù có giúp việc nhưng do con út còn quá nhỏ, bạn thứ hai đang tuổi nhà trẻ hay bị ốm nên tôi cảm thấy rất bận rộn với con cái. Con lớn nhất khá tự lập nhưng tôi vẫn muốn chú ý quan sát và nuôi dạy con trong giai đoạn tuổi teen. Tôi ngủ với em bé nên đêm thường mất ngủ, sáng con dậy từ 5h, tôi hỗ trợ chăm bé cho đến khi giúp việc dọn dẹp ăn sáng xong. 7h tôi đi làm, về nhà tắm và chuẩn bị đồ ăn cho bé thứ hai, trông bé thứ nhất trong lúc bà giúp việc nấu cơm. Trong khi cả nhà ăn cơm, tôi vừa ăn vừa hỗ trợ hai bé ăn (con tôi ăn BLW), dỗ bé thứ ba nếu con khóc. Ăn cơm xong, tôi chơi với con, thay đồ cho bé đi ngủ để bà dọn dẹp. 8h khi bé thứ ba đi ngủ, tôi muốn dành thời gian cho hai bé lớn và tâm sự chia sẻ với chồng. 9h các bé lớn sẽ đi ngủ.
Tôi rất cầu toàn chuyện con cái, gia đình. Bản thân là người quản lý nhưng tôi luôn cân bằng được công việc và gia đình, tôi muốn chồng con mình cũng thế. Tôi quan trọng việc dạy dỗ, làm gương và sát cánh bên con, đặc biệt những năm đầu đời; muốn vợ chồng sống có lề lối, tôn trọng, yêu thương nhau, cùng chia sẻ cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Các bé nhà tôi rất tình cảm, khá ngoan nhưng có cá tính, học tốt và luôn muốn được gần bố mẹ. Chúng tôi luôn tạo điều kiện đưa các con đi chơi, trải nghiệm.
Chồng và tôi là mối tình đầu, yêu rất lâu mới tiến tới hôn nhân. Tôi chọn anh không vì tiền tài, chỉ với ý nghĩ chồng yêu thương mình, cùng nhịp tâm hồn, sẽ cùng tôi nuôi dạy những đứa trẻ thông minh, hạnh phúc, có thời gian quan tâm, chăm sóc vợ con và được nắm tay nhau đến cuối cuộc đời. Tôi sẵn sàng chịu vất vả, áp lực trong công việc, nuôi con nhưng muốn khi buồn, khi giận luôn có một cánh tay dang ra và một bờ vai để tựa vào. Tôi luôn tâm sự và chia sẻ với chồng mong muốn của mình nhưng cảm thấy chồng không làm được.
Chồng tôi chung thủy, yêu thương gia đình, có làm việc nhà nhưng chỉ gói gọn trong những việc anh ấy tự chia cho mình như đưa đón con, đi chợ, làm xong tự cho là hết việc. Do có giúp việc nên việc nhà hai vợ chồng không phải làm, nhưng việc chăm lo, chuẩn bị cho các con không hề ít. Những việc đó hầu như anh đợi tôi nói mới làm nhưng nhiều khi anh khó chịu, cảm giác giống làm hộ tôi. Nếu việc ấy anh cảm thấy khó hoặc không thích sẽ mặc kệ tôi, không làm. Chồng gần như không bao giờ chia sẻ việc nuôi và chăm sóc khi các con dưới hai tuổi hoặc hỗ trợ chăm sóc khi con ốm. Số lần chồng thay bỉm cho các con đếm trên một bàn tay. Anh chưa từng thức đêm trông, dỗ con, thường sẽ ra phòng khác ngủ vì con khóc khiến anh mất ngủ và ốm. Nếu con nhỏ dưới hai tuổi, anh chỉ bế và nựng con vài phút rồi trả lại tôi. Anh có đưa các bé lớn ra ngoài chơi (nhà tôi là chung cư cao cấp nên khá nhiều tiện ích vui chơi). Còn nếu chơi với con ở trong nhà, thường anh cầm điện thoại, hiếm khi bày trò chơi hay dạy dỗ hoặc đọc sách cho con.
Về công việc, chồng tôi được ưu ái làm việc ở nhà, ít khi phải đến cơ quan nên không mất thời gian di chuyển. Thực tế anh vốn dành thời gian nhiều hơn yêu cầu, về tiến độ và chất lượng công việc, anh luôn được đánh giá tốt. Điều tôi không hài lòng là do có laptop và được làm tại nhà nên anh luôn tranh thủ làm và chơi game. Sáng 6h dậy sớm, anh đã ngồi trước máy, luân phiên làm và chơi cả ngày đến khi ngủ. Cuối tuần hay ngày lễ, nếu không dùng máy tính, anh sẽ dùng điện thoại xem tin tức, clip, mạng xã hội. Công việc của anh đặc thù nên có thể làm bất kỳ lúc nào, nhiều khi làm cả tối, sáng hết việc anh chơi game, tối vợ con về muốn chơi cùng thì anh lại làm. Anh muốn vừa nói chuyện với vợ, vừa chơi với con, vừa đưa cả nhà đi chơi nhưng vừa phải tranh thủ làm, cầm điện thoại hoặc chơi game.
Tôi nói chuyện với anh và thỏa thuận sau 8h tối, anh nên sắp xếp nghỉ để dành trọn vẹn thời gian cho gia đình, không nên chơi game, hạn chế sử dụng điện thoại khi con có nhà nhưng chỉ dừng lại ở lời hứa. Tệ hơn mỗi lần tôi nhắc nhở, khó chịu, anh sẽ giận ngược lại, gần như mặc kệ tôi với con cái (trước đó tôi nhờ sẽ giúp), chơi game hoặc sử dụng điện thoại tràn lan hơn, vợ chồng không giao tiếp, chiến tranh lạnh vài tuần, mạnh ai nấy sống, tất cả nguyên tắc sống vợ chồng, với con cái đã thoả thuận bị phá bỏ. Chồng tôi không dỗ vợ khi giận, thường xuyên dùng những lời lẽ rất bạc bẽo để nói chuyện những lúc chiến tranh lạnh như "tao không quan tâm", "mày muốn làm thì làm", "tao ghét mày", "hận mày" hoặc im lặng không nói lời nào. Sau vài tuần, anh lại như chưa có gì xảy ra, nói yêu tôi, thương tôi vất vả. Trước anh hứa sẽ thay đổi, gần đây anh đổ lỗi cho tôi yêu cầu quá cao, không xin lỗi hay hứa hẹn gì nữa, chỉ cố gắng chọc cho tôi hết giận.
Tôi mệt mỏi vì phải gánh tất cả, sợ con nhận ra việc bố mẹ không giao tiếp với nhau nên lại thôi, dặn lòng cố gắng đợi con lớn sẽ ly hôn, nhưng cảnh gia đình lặp lại được vài ngày, tôi không nhịn nổi lại đâu vào đó. Vài năm gần đây, trung bình một tháng gia đình sống bình thường một tuần, còn ba tuần chiến tranh lạnh. Những lần như vậy, tôi cảm thấy rất tủi thân và thương con, tinh thần nuôi dạy con bị ảnh hưởng ít nhiều, khó vui vẻ, tự nhiên khi chăm sóc, tâm sự, nói chuyện, dạy dỗ con. Tôi đã làm đủ cách từ nhẹ nhàng tâm sự, khóc, cư xử giống anh để anh nhận thấy sự khó chịu. Gia đình nhà chồng cũng giúp tôi nói chuyện, khuyên nhủ nhưng không thể thay đổi. Tôi cho rằng vấn đề là chồng có muốn ưu tiên vợ con hay không. Còn chồng cho rằng anh ấy tranh thủ làm và chơi, nói khi nào tôi nhờ vẫn làm, tôi bảo đi đâu vẫn đi, anh chỉ chơi game, không cờ bạc, trai gái, tôi còn đòi hỏi gì nữa.
Tôi cần anh chủ động chia sẻ áp lực gia đình, toàn tâm với con cái, cùng lên kế hoạch gia đình. Hiện tất cả việc từ bé như thanh toán các phí dịch vụ, tiền học cho con, kèm các con học, kiểm tra tin nhắn nhắc nhở của cô giáo các con, thuốc thang, ăn uống, bỉm sữa đến việc lên lịch ăn chơi, du lịch cho gia đình, chạy trường chọn lớp cho con đều tôi xoay xở. Nhưng tôi đã giảm kỳ vọng xuống, chỉ cần anh dành một tiếng đồng hồ mỗi tối trọn vẹn cho mấy mẹ con cùng chơi, cùng tâm sự; mong lúc con ở nhà, anh không chơi game trước mặt con,... nhưng cũng không được. Ngoài ra, tôi không muốn các con trai nhiễm các tật mà tôi cho là xấu: nói chuyện không tập trung vào người đối diện (nhìn màn hình điện thoại, máy tính), chơi game, không cân bằng cuộc sống gia đình, thiếu ga lăng, chủ động chăm sóc người trong gia đình...
Nhiều lúc, tôi đã chấp nhận sống như vậy. Tôi gắng sức, rất mệt mỏi, đôi khi cảm thấy bế tắc và bất lực vì quỹ thời gian quá eo hẹp, sức khỏe ảnh hưởng, trong lòng mong muốn bản thân và con cái nhận được nhiều hơn các trải nghiệm và yêu thương. Rồi nhìn chồng cứ ngồi mãi trước máy tính, điện thoại bất kể thời gian, lúc thì làm lúc thì chơi, tôi càng nản. Tôi không thoải mái, nói nhiều thành lắm mồm, cảm thấy bản thân biến thành người khác, từ một người luôn vui vẻ, lạc quan, tôi hay cáu giận, bất ổn. Trước mặt người khác, tôi là người mẹ siêu nhân, quản lý công tâm, lạc quan nhưng bên trong tôi thấy trống rỗng, chênh vênh, mệt mỏi vì chuyện gia đình, tủi thân vì không có điểm tựa tinh thần, hỗ trợ trong nuôi dạy con. Mãi rồi tôi không biết còn yêu chồng không và mong muốn gì ở cuộc hôn nhân này. Không cần tình yêu, lãng mạn như bản thân mơ ước, tôi chỉ muốn bình an nuôi dạy con nhưng không được, vì anh cứ chơi game trước mặt con, vừa làm vừa chơi với vợ con, vợ chồng ngày càng khó nói chuyện, giao tiếp với nhau.
Giờ tôi nên làm gì? Có phải tôi quá khó tính không? Có phải tôi yêu cầu cao quá không? Tôi biết so với nhiều người chồng khác, chồng tôi không phải cá biệt nhưng liệu tôi nên chấp nhận cuộc sống nhạt nhẽo và mệt mỏi như nhiều phụ nữ khác để con cái có đủ bố mẹ hay nên đấu tranh để có được cuộc sống mình mong muốn hoặc từ bỏ để đỡ bận lòng?
Minh Ngọc
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc