Lúc đó tôi viết cũng chỉ để giải toả nỗi lòng nhưng không ngờ nhận được nhiều sự quan tâm từ độc giả nên thật xúc động, cảm thấy được động viên rất nhiều. Mặc dù làm mẹ, lại tận tay chăm sóc cho con từng ly từng tí và luôn bên cạnh con nên có thể nói tôi đã loại trừ khả năng con tự kỷ, nhưng ngoài quấy khóc thì những biểu hiện khác của con hoàn toàn bình thường. Đến khi nhận được comment của các bạn tôi lại cảm thấy hoang mang, dao động, nhất là đa phần ý kiến cho rằng con tôi bị tự kỷ hoặc động kinh.

Rất may trong số các bạn để lại mail giúp đỡ có bác sĩ Minh Triết ở bệnh viện Nhi đồng 1, vì quá xa để đem con đến nhờ bác sĩ khám trực tiếp nên tôi đã trao đổi qua mail và bác nhận định con tôi bị rối loạn lo âu chia ly. Để chắc chắn rằng con có bị bệnh khác hay không vợ chồng tôi cũng phải cho con đi khám lại một lần nữa, nhưng chỉ là co thắt phế quản và suy dinh dưỡng (hai cái này tôi đã biết nhưng cũng không phải là nguyên nhân chủ yếu làm con quấy khóc quá mức như thế, vì những lúc khoẻ con cũng vẫn quấy khóc). Qua những phân tích của bác sĩ Triết và bác sĩ tại Nhi TW, tôi đã định thần lại để điều trị cho con và cố gắng bám sát phương pháp điều trị của bác sĩ Triết như sau:

Để điều trị cần kết hợp nhiều biện pháp. Người chăm sóc phải giữ tâm trạng thật bình thản, không lo lắng, không quá quan tâm đến trẻ. Vì người chăm sóc càng lo lắng trẻ càng "thích". Tập cho trẻ tự lập dần dần, có thể tìm sách nói về cách rèn tính tự lập cho trẻ, tập cho trẻ tự lập từ từ mỗi ngày một ít. Học cách khen trẻ, chỉ khen những điều trẻ làm tốt và mình muốn trẻ làm, khen càng cụ thể vào hành động trẻ thực hiện càng tốt. Cách khen gồm: khen bằng lời, bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng một cái ôm, xoa đầu trẻ.

Thiết lập một thời gian chơi đặc biệt với trẻ cố định và thường xuyên. Mỗi ngày vào một thời điểm nhất định, ví dụ: 8 giờ tối. Ngày nào cũng thực hiện. Thời gian chơi khoảng 30 - 60 phút và người chăm sóc trẻ chỉ chơi với trẻ trong lúc đó mà không làm việc riêng. Việc thiết lập thời gian chơi đặc biệt này giúp cho trẻ nhận thấy là trẻ luôn được quan tâm mỗi ngày, đồng thời cũng đặt giới hạn cho trẻ là trẻ chỉ được sự chú ý hoàn toàn trong thời điểm này, còn những thời điểm khác trong ngày là mẹ (người chăm sóc) có việc khác để làm, trẻ không được chiếm thời gian này của mẹ.

Sử dụng kỹ thuật đối phó với sự mè nheo của trẻ: Nên thực hiện vào ban ngày trước, nếu ban ngày làm tốt, sẽ thực hiện vào ban đêm. Nếu ở chung với những người hàng xóm khác thì càng phải thực hiện tốt kỹ thuật vào ban ngày. Việc thực hiện kỹ thuật đối phó cần sự kiên nhẫn và đồng nhất. Khi bắt đầu thực hiện, trẻ sẽ phản ứng rất dữ vì từ trước đến giờ trẻ chưa trải qua và trẻ sẽ cố gắng nhiều nhằm làm người chăm sóc phải thay đổi. Vì vậy người chăm sóc phải thật sự kiên nhẫn. Vì có cả ba, mẹ và có thể có người thân khác cùng ở chung nhà nên sự đồng nhất giữa những người này rất quan trọng. Nếu mẹ làm nhưng ba (và người thân khác) không hiểu, không làm theo thì kỹ thuật sẽ thất bại.

Kỹ thuật phớt lờ: Chọn một thời điểm ban ngày: trẻ khóc (để được chú ý), tất cả mọi người hãy phớt lờ. Phớt lờ cần đảm bảo 3 yêu cầu: không nhìn, không nói (không la cũng không an ủi), không sờ (không ôm cũng không đánh). Mọi người cứ làm việc của mình và phớt lờ trẻ hoàn toàn. Trẻ sẽ phản ứng bằng cách khóc to hơn, la hét nhiều hơn hoặc tìm cách níu kéo, cắn xé người thân. Người thân nên tiếp tục giữ thái độ phớt lờ (có thể để trẻ vào nôi hoặc cũi để trẻ có thể thấy mình nhưng không chạm được vào mình). Trẻ có thể sẽ phản ứng nhiều hơn bằng những cách như nằm lăn ra, đập đầu, đập tay, hoặc ném đồ. Mọi người nên tiếp tục phớt lờ. Sau một thời gian, trẻ sẽ tự động ngừng khóc. Khi trẻ ngừng khóc thì người thân sẽ chú ý đến trẻ. Có thể trẻ sẽ khóc lại, và người thân tiếp tục áp dụng cách phớt lờ. Điều quan trọng là phải áp dụng triệt để: Trẻ khóc thì phớt lời, trẻ nín khóc thì sẽ được chú ý.

Lần đầu tiên thường là lần khó khăn nhất cho phụ huynh. Nhưng nếu vượt qua được lần đầu, những lần sau sẽ dễ hơn vì thời gian trẻ phản ứng sẽ giảm dần theo số lần. Trẻ sẽ học được là nếu khóc sẽ  bị phớt lờ, nếu nín sẽ được chú ý. Lại nhớ có một bạn kể về một đứa bé tương tự nhưng đã hết quấy khi cho con đi bơi hàng ngày nên tôi nghĩ phải rèn luyện sức khoẻ cho con, tôi đã cố gắng giành thời gian vào buổi chiều tối mỗi ngày đều cho con đi bộ (ít nhất 30 phút) và đập vài củ gừng tươi cho vào nước tắm cho con. Dần dần thấy con cũng ngoan dần, đêm bắt đầu ngủ ngon giấc hơn và cũng không còn quấy khóc như trước nữa. Xin cảm ơn tất cả bạn đọc của Tâm sự VnExpress, nhất là bác sĩ Triết đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ mẹ con tôi, giúp con tôi vượt qua bệnh tật.

Loan

Post a Comment

 
Top