Chào bác sĩ, em năm nay 20 tuổi, mùa hè vừa rồi em đi du lịch biển nên đã mua thuốc tránh thai hàng ngày uống để làm chậm kinh nguyệt. Sau khi uống em thấy có hiệu quả thật nhưng lại thấy hơi mệt và buồn nôn . Tuy nhiên tới đây, em dự đi chơi với một nhóm bạn lại đúng vào thời điểm vòng kinh nguyệt của em. Em đang định uống thêm đợt thuốc tránh thai để làm chậm lại vòng kinh nguyệt một lần nữa.

Tuy nhiên do em chưa lập gia đình, uống thuốc tránh thai như vậy có ảnh hưởng vấn đề sức khỏe sinh sản của em sau này và chậm kinh nguyệt có nguy hiểm không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Nguyễn Hạnh Ngân)

Trả lời:

Hạnh Ngân thân mến !

Nhiều bạn trẻ với những lý do khác nhau tìm đến các biện pháp để làm trì hoãn kinh nguyệt của mình và biện pháp phổ biến được nhiều người sử dụng là dùng thuốc tránh thai hàng ngày. Phương pháp làm chậm chu kì kinh nguyệt này nếu không cẩn thận có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Với cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai nói chung là ngăn sự rụng trứng, làm cho chất nhầy cổ tử cung đặc lại khiến cho tinh trùng khó đi vào tử cung. Thuốc cũng làm cho nội mạc tử cung mỏng đi. Lớp niêm mạc của máu sẽ ở lại trong tử cung và bạn sẽ không có chu kì kinh nguyệt trong tháng đó.

uống thuốc tránh thai đẩy lùi kinh nguyệt
Trì hoãn kinh nguyệt ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi uống thuốc tránh thai trì hoãn kinh nguyệt có thể gây buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng, chóng mặt, làm rối loạn nội tiết, khiến cho người sử dụng bị rong kinh kéo dài hoặc vô kinh. Việc rối loạn chu kì kinh nguyệt lâu dài có thể gây ra nhiều khó khăn nếu muốn thụ thai sau này.

Đó là chưa kể, nếu uống thuốc nhiều, uống sai, không điều khiển được chu kì kinh nguyệt theo ý muốn sẽ gây ảnh hưởng tâm lý, suy sụp sức khỏe, viêm nhiễm… Việc rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng.

Bên cạnh nguy cơ gây rối loạn kinh nguyệt, uống thuốc tránh thai làm chậm ngày đèn đỏ còn gây ra nguy cơ đông máu, làm tắc nghẽn mạch máu vì hormone estrogen có trong thuốc tránh thai làm tăng các yếu tố đông máu. Chính khả năng gây đông máu này có thể dẫn đến hiện tượng thuyên tắc mạch máu.

Sử dụng thuốc tránh thai tùy tiện sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu người đó thuộc nhóm không được dùng như đang có thai hay không biết mình đang có thai, bệnh huyết khối tĩnh mạch…

Đặc biệt đối với những người có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lý gan, thận, ung thư vú, huyết khối tắc mạch, đau nửa đầu hay bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú, ung thư tử cung, việc sử dụng thuốc tránh thai làm chậm chu kì kinh nguyệt cần đặc biệt lưu ý.

Vì vậy, với bạn một người chưa lập gia đình không nên thường xuyên sử dụng cách lùi ngày "đèn đỏ" bằng thuốc tránh thai hàng ngày nó sẽ ảnh làm thay đổi hàm lượng các nội tiết tố. Về lâu dài ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Tốt nhất, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để biết sức khỏe của mình có phù hợp với biện pháp uống thuốc tránh thai để trì hoãn kinh nguyệt hay không nhé.

Chúc bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Post a Comment

 
Top