Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, ông Phạm Đức Trung trình bày báo cáo đề dẫn.

Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng.

Đây là con số được đưa ra tại buổi đối thoại chính sách về khó khăn thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 27/5.

Chuyện dài kỳ

Trong phát biểu khai mạc, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước là câu chuyện đã được bàn nhiều năm ở nhiều cấp từ bên Đảng cho đến chính quyền. Đánh giá tổng kết về vấn đề này ở trong và ngoài nước rất đồ sộ, kết luận khoa học rất rõ ràng.

Thực tiễn đều chứng minh là để cải thiện quản trị doanh nghiệp Nhà nước cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý Nhà nước. Nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách, ở Việt Nam thì có thể đến vài chục năm, ông Cung nói.

Trình bày báo cáo đề dẫn, Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sở hữu Nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã hơn 3 triệu tỷ đồng, ông Trung cho biết.

Vị Viện phó cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm quá khứ đã chỉ ra: thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.

Nhưng, so với yêu cầu về quản lý - giám sát quản trị doanh nghiệp Nhà nước, pháp luật hiện hành còn thiếu hoặc quy định chưa đủ rõ, chưa cụ thể ở một số nội dung.

Hiện nay tổ chức bộ máy, cách thức, hình thức thực hiện chức năng chủ sở hữu trong nội bộ các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có pháp luật điều chỉnh nên đang được thực hiện hết sức khác nhau, ông Trung phân tích.

Lập uỷ ban độc lập

Là cơ quan được giao dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu, CIEM cho biết hướng xây dựng là mỗi doanh nghiệp Nhà nước chỉ có một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cơ quan Nhà nước khác thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Theo dự kiến, với tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn sẽ được chuyển  từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách. Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh khác chuyển về SCIC.

Doanh nghiệp Nhà nước địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay.

Đáng chú ý, dù có ý kiến cho rằng cần thay đổi nhưng các ngân hàng thương mại vẫn do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Việc này có lý do về an toàn và rủi ro tài chính quốc gia, ông Trung giải thích.

Về cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quan điểm của CIEM là Chính phủ thực thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2020.

Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là uỷ ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trung cho biết.

Đồng ý cần phải thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước nhưng các ý kiến thảo luận còn không ít băn khoăn với quan điểm của CIEM, VnEconomy sẽ tiếp tục cập nhật ở bài sau.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top