Chỉ với một con dao phát cỏ, một cây xà beng và những túi vải, Kali và Vedan, 2 người dân có thể ra đồng và bắt những con rắn độc nhất thế giới bằng tay không ở khu vực miền nam Ấn Độ.
Kỹ năng bắt rắn độc của hai người đàn ông này, được thừa hưởng từ những người già trong bộ tộc Irula, là yếu tố quan trọng để phát triển thuốc chống nọc độc rắn tại Ấn Độ, nơi có tỷ lệ người chết vì rắn cắn cao nhất thế giới.
Từ những năm 70 của thế kỷ 20, trung tâm liên hợp, nơi tập hợp các thợ săn rắn thuộc bộ tộc Irula ở vùng ngoại ô phía nam thành phố Chennai đã cách mạng hóa việc chữa trị rắn cắn ở Ấn Độ. Sự phối hợp này tạo ra đủ số thuốc chống nọc độc rắn để cung cấp cho bệnh viện trên khắp cả nước.
Ngoài ra, nó cũng mang lại thu nhập cho người thuộc tộc Irula khi chính quyền cấm họ săn bắt và bán da rắn từ năm 1972.
Kali học được các kỹ năng phức tạp của việc lần dấu và bắt rắn từ cha của anh, một người săn rắn có tiếng trong bộ tộc. Hiện tại, người đàn ông 36 tuổi, vẫn sử dụng những kỹ năng tương tự để bắt rắn cho trung tâm liên hợp. Tại đây, họ sẽ giữ số rắn trong một tháng theo sự cho phép của chính quyền và chích số nọc độc của rắn rồi thả chúng về với tự nhiên.
Tháng này, Kali được giao nhiệm vụ bắt rắn lục hoa cân (Saw Scaled Viper) và rắn lục Russell, 2 trong số 4 loài rắn nguy hiểm nhất của Ấn Độ.
Trong vòng 20 phút kể từ khi bắt đầu tìm kiếm trên đồng lúa cách đường cao tốc chưa đầy 1,6 km, Kali đã phát hiện một con rắn nhỏ ẩn mình dưới lớp vỏ của một cột gỗ làm hàng rào. Màu da nâu của con vật gần như trùng với màu gỗ. Vài phút sau, Vedan, một đồng nghiệp của Kali, đã tóm gọn con rắn bằng tay không và cho vào túi vải rồi buộc chặt lại.
"Đây là con rắn lục hoa cân cái đã trưởng thành, một trong những loài độc nhất. Mùa đông, chúng thích trú trong lớp vỏ cây. Vì thế, chúng tôi biết chỗ để tìm ra chúng", Kali chia sẻ.
Người đàn ông 36 tuổi sẽ được trả 300 rupee (khoảng 4,5 USD) cho giống rắn lục. Nếu bắt được hổ mang, số tiền sẽ lên tới 2,500 rupee (khoảng 36,7 USD). Số tiền mà Kali kiếm được sẽ giúp các con anh có thể đi học thường xuyên hơn. Đôi khi gặp may, Kali sẽ tìm thấy lũ rắn ngay tức thì. Ngược lại, có nhiều ngày anh đi nhưng không tìm được con rắn nào.
Trung tâm liên hợp, cái được thành lập bởi nhà bảo tồn người Mỹ Rom Whitaker, nay do chính quyền Ấn Độ kiểm soát. Tại đây, lũ rắn sẽ được giữ lại khoảng một tháng và người ta sẽ chích nọc độc của chúng 4 lần.
Những người làm nhiệm vụ lấy nọc rắn sẽ bắt từng con, giữ chặt đầu rồi ấn phần răng nanh vào lớp da bọc trên miệng một chiếc bình thủy tinh nhỏ để từng giọt nọc độc rắn chảy xuống.
Sau đó, một lượng nọc độc không gây tử vong sẽ được tiêm vào ngựa để tạo ra kháng nguyên được dùng làm thuốc chống độc rắn.
Đó là loại thuốc khả quan nhất để chữa trị mọi vết rắn độc cắn dù người Irula còn sử dụng thảo dược để tạm thời làm chậm khả năng lan truyền của nọc độc và giúp nạn nhân có thêm thời gian để di chuyển tới bệnh viện.
Ấn Độ có 244 loài rắn và 4 trong số chúng thuộc hàng rắn độc nhất bao gồm rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn Russell và rắn lục hoa cân.
Các chuyên gia cho biết hàng nghìn người chết ở Ấn Độ mỗi năm vì rắn độc cắn và hầu hết trường hợp bị cắn lúc đang đi làm đồng. Dân làng sống gần trung tâm liên hợp cho biết rắn thường xuyên xuất hiện trong nhà họ, khiến họ có thể bị tấn công trong lúc ngủ nhưng dường như người dân không mấy lo lắng về điều này.
Post a Comment