Người xưa từng nói: "Đừng bao giờ đi ngủ khi đang giận dữ, nếu không những cảm xúc xấu sẽ tích tụ lại thành sự oán hận". Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh được điều này.

bực tứcCon người không nên ngủ khi đang bực tức. Ảnh: Getty

Theo tờ Guardian, một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications cho thấy nếu bạn đi ngủ khi đang hậm hực, não sẽ điều chỉnh lại cách thức các ký ức tiêu cực được lưu trữ. Và nếu điều này xảy ra trong thời gian dài, các ký ức tiêu cực sẽ khó có thể xóa bỏ khỏi não.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, mọi người nên giải quyết những nỗi bức xúc hay bực tức trước khi đi ngủ", Yunzhe Liu, người chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu nói.

Nghiên cứu được tiến hành trong 2 ngày, sử dụng kỹ thuật tâm lý có tên gọi "Think/No-think" với 73 nam sinh. Kỹ thuật này giúp các nhà nghiên cứu thử mức độ thành công khi các nam sinh kiểm soát trí nhớ của họ.

Đầu tiên, nhóm sinh viên nam học cách kết hợp giữa các khuôn mặt trung tính với các bức ảnh không mấy tích cực như người bị thương, trẻ em khóc hay các tử thi. Cứ mỗi một gương mặt là một bức ảnh không tích cực và cứ như thế lặp đi lặp lại. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu cho nhóm nam sinh xem lại những gương mặt một lần nữa và dặn họ phải quên những hình ảnh không vui kia hoặc phải nghĩ tới mặt tích cực của bức ảnh. Khoảng 30 phút sau lần thử đầu tiên, khoảng 9% người tham gia không nhớ những bức ảnh tiêu cực. Như vậy, sự kiểm soát trí nhớ bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, một ngày sau lần thử đầu, chỉ còn khoảng 3% nam sinh không nhớ về những hình ảnh trên.

Lý do gì khiến những ký ức tiêu cực tồn tại lâu hơn sau khi ngủ? Việc quét não bộ đưa gia một gợi ý cho câu hỏi này. Những ký ức mới được diễn tả bởi các hoạt động của não ở một vùng của não trước (Hồi hải mã - the hippocampus). Nhưng qua một đêm, những ký ức này được phân phối trên khắp vỏ não. Và điều này có thể lý giải tại sao con người vẫn nhớ những hình ảnh tiêu cực sau khi ngủ.

Theo các nhà khoa học, kết quả của nghiên cứu có thể ứng dụng để điều trị các chứng bệnh như rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top