Các nhà khoa học cho rằng việc ngoạm và xé xác con mồi khiến lớp không khí được đẩy qua các xoang và kích thích tuyến lệ gây ra hiện tượng chảy nước mắt khi ăn mồi ở cá sấu.
"Nước mắt cá sấu" là một câu thành ngữ có từ rất lâu. Và đằng sau câu thành ngữ này là một câu chuyện khi nhiều người cho rằng cá sấu thường bẫy con mồi bằng những giọt nước mắt của chúng rồi sau đó đánh chén no nê. Vậy còn thực tế thì sao?
Theo How Stuff Works, cá sấu cũng biết khóc như con người và các động vật khác nhưng chúng thường hay khóc khi ăn con mồi. Nhưng đừng vội kết luận chúng là kẻ giả dối mà chúng ta phải dựa vào căn cứ khoa học. Theo các nhà nghiên cứu, khi ăn mồi, lượng chất lỏng tập trung nhiều trên mắt của cá sấu và tới lúc quá nhiều, chúng chảy thành dòng khiến nhiều người nghĩ rằng 'sát thủ đầm lầy' đang khóc. Vậy tại sao điều này chỉ xảy ra với cá sấu trong lúc chúng chén mồi?
Câu hỏi này quả thực vẫn khiến các nhà khoa học phải đau đầu bởi chẳng dễ dàng khi làm những thí nghiệm với cá sấu. Chúng là loài vật hoang dã và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, năm 2006, các nhà khoa học vẫn tiến hành một nghiên cứu và thu được kết quả rất thú vị. Họ cho 7 con cá sấu ăn trên một khu đất khô và quay phim lại. Và 5 trong số 7 con chảy nước mắt khi ăn.
Lúc này, các nhà nghiên cứu cho rằng việc ngoạm và xé xác con mồi khiến lớp không khí được đẩy qua các xoang và kích thích tuyến lệ gây ra hiện tượng chảy nước mắt ở cá sấu.
Post a Comment