Một vị vua Nam Việt xuất thân từ áo vải giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, đem lại độc lập dân tộc trải dài hơn 10 năm trong giai đoạn Bắc thuộc, khẳng định vị thế nước Nam sánh ngang với nước phương Bắc. Ông đã tạo nên tiếng vang to lớn, để lại niềm tự tôn sâu sắc cho bất cứ người con Việt nào. Ông là ai? 

Xuất sinh người tài chốn phong thủy


Động Cồn Chèn ngày nay thuộc địa phận xóm 1 xã Nam Thái, có độ cao khoảng 30-40m, chạy theo hướng Bắc-Nam, trước đây thuộc kẻ Trừng, sau thuộc làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (Nam Đàn, Nghệ An). Xét về mặt phong thủy, đây là một địa thế nhất nhì trong vùng – mảnh đất đế vương. Từ động Cồn Chèn, nhìn về phía Tây Bắc, thuộc xã Thanh Khai và xã Thanh Lương thuộc huyện Thanh Chương có núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng.

Các bậc Nho sĩ xưa cho rằng 5 ngọn núi này giống như 5 con ngựa đang phi, nên gọi là “Ngũ Mã tề phi”. Núi Phượng Hoàng trông giống hình con chim Phượng hoàng đang vỗ cánh hướng về phía Đông cùng với núi Ngũ Mã tạo thành một quần thể núi non hùng vĩ. Dưới chân núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng có sông Gang chảy ra sông Lam. Theo các bậc tiền nhân, đây chính là thế sơn dồn, thủy tụ, góp phần tạo nên linh địa cho vùng đất Ngọc Trừng…

Đây đích xác là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sinh ra bậc đế vương Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan. Sử sách vẫn lưu truyền câu chuyện sinh hạ thần kỳ họ Mai như sau:

Khi sinh Mai Thúc Loan, bà mẹ nằm mộng thấy một người thiếu phụ mình mặc áo đỏ, tự xưng là Xích Y sứ giả, tay cầm một viên ngọc kê sơn bích, nói rằng: “Cho bà cái này, nên dùng làm vật báu”. Bà Vương Thị xem viên ngọc ấy thì thấy giống quả trứng gà nhưng to hơn, năm sắc óng ánh lóe cả mắt, bèn giơ tay đón lấy, bỗng nhiên cầm hụt, ngọc rơi xuống đất vỡ tan, nhân đó giật mình tỉnh dậy. Khi sinh ra, ở đùi trái Thúc Loan có vết xanh đen giống như một đồng tiền.

Sau này người ta giải thích rằng ngọc nhận ở tay bỗng nhiên rơi xuống đất vỡ tan, bắn tung tóe, có tiếng kêu vang vang, đó là cái ý tiếng tăm vang dậy, chấn động người đời, còn con gà đứng đầu loài có cánh, lại có thêm năm sắc lóe mắt, dùng để làm vật báu, có cái điềm lành của con linh điểu mang năm đức tốt. Cho nên chú bé mới sinh được đặt là Phượng, tên tự là Thúc Loan. Đó là để ghi lại cái điềm được thấy ở trong giấc mộng vậy.

Tuổi thơ khổ cực, bất hạnh ươm mầm nhân kiệt


Có truyền thuyết kể rằng khi mang dạ vua Mai, bà Vương Thị rời làng Mai Phụ (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ngược dòng sông Lam tìm đến động Cồn Chèn, dựng nhà trên đỉnh động, sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, bà thường vào rừng hái rau, măng, đốn củi đem xuống chợ Sa Nam (Nam Đàn) để bán, mua gạo. Bà còn xuống đồng Bàu Chò Cùng, đồng Cựa Chùa, bàu Ngan, sông Gang mò cua, bắt ốc để mưu sinh.

Chính trong ngôi nhà tranh nhỏ trên động Cồn Chèn, được sự đùm bọc, chở che của nhân dân, vào một buổi sáng sớm, thân mẫu chuyển dạ dưới gốc mai, sinh ra Vua, đặt tên là Mai Thúc Loan. Cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi lại chính xác năm sinh của Vua, mà chỉ biết năm mất (722). Nói về công lao to lớn của thân mẫu, tại đền thờ của bà, có một bức đại tự sơn son thếp vàng với nội dung:

Từ mẫu sinh minh đế

(Bà mẹ hiền từ đã sinh ra một vị hoàng đế thông minh sáng suốt)

Không người thân, họ hàng, cuộc sống của mẹ con Mai Thúc Loan trải qua bao đắng cay, cực khổ. Mai Thúc Loan lớn lên trong sự yêu thương, che chở của mẹ và ông luôn cố gắng để trở thành nguồn động lực của cho bà. Là người con hiếu thảo, từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã theo mẹ vào rừng hái rau, hái măng, đốn củi đem xuống chợ để bán. Lớn lên, ông đi chăn trâu cho nhà giàu trong vùng đỡ đần mẹ. Cuộc sống lam lũ, nghèo khó dường như đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho người anh hùng sớm nuôi chí lớn.

Cuộc sống thanh bình và yên ấm của hai mẹ con trong ngôi nhà nhỏ trên động Cồn Chèn sớm kết thúc bởi một tai họa ập đến. Vào một buổi sáng mai, thân mẫu của Mai Thúc Loan vào động Cồn Hổ để lấy củi, không may bị hổ dữ ăn thịt. Nghe tiếng hổ gầm, Mai Thúc Loan cùng dân làng vào rừng tìm cách cứu mẹ nhưng đến nơi, thì hổ đã ăn thịt bà. Xót thương mẹ, ông cùng mọi người đánh hổ đến nỗi con hổ vì quá sợ đã chạy từ động Cồn Hổ, sang động Cồn Sui. Đến núi Dẻ, Mai Thúc Loan cùng mọi người giết được hổ dữ, thu nhặt thi hài của mẹ về an táng.

Hết lòng cứu dân cứu nước

Mai Thúc Loan nổi tiếng là người có sức khỏe, thông minh, tài trí hơn người và là một trong những đô vật nổi tiếng khắp vùng. Ông cũng thường cùng các phường săn vào núi Hùng Sơn, Phượng Hoàng, Đại Huệ… săn thú. Năm ấy trước họa đô hộ và bóc lột của nhà Đường, gác lại nỗi đau riêng, Mai Thúc Loan đi khắp vùng miền núi đến miền biển để kết thân với các hào trưởng, quý tộc, tù trưởng để mưu nghiệp lớn cứu nước, cứu dân.

Nghe danh nghĩa sỹ dựng cờ khởi nghĩa, bậc anh hùng khắp nơi tìm về. Đó là các tráng sỹ và danh sỹ nổi tiếng đương thời, quê quán chủ yếu ở vùng Châu Hoan vì mến mộ tài năng đức độ của Mai Thúc Loan mà tìm đến. Các anh tài họp mặt, ngày thì làm lụng như người thường, đêm đến thì giăng đèn quân sỹ, tập luyện binh võ và bàn tính phương hướng chiến đấu. Sức mạnh nghĩa quân nhanh chóng lan rộng, thu hút đông đảo các bậc hiền tài, chỉ mấy tháng lực lượng đã lên đến hàng vạn.


Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nhanh chóng thu hút các bậc hiền tài

Đông đảo quý tộc, hào trưởng, tù trưởng cùng đại bộ phận nhân dân Hoan – Diễn và 32 châu quanh vùng các nước Kim Lân, Xảo Oa, Java, Chân Lạp cũng đều hết sức ủng hộ đội quân Mai Thúc Loan. Theo sử cũ chép lại, lực lượng quân đội lúc này của Mai Thúc Loan lên đến hơn 40 vạn). Năm 713, Mai Thúc Loan chọn làng Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm đại bản doanh, dựng cờ khởi nghĩa và sớm lật đổ toàn bộ ách thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.

Ông xưng Đế, tục gọi là Mai Hắc Đế, đại bản doanh Vạn An trở thành quốc đô của một quốc gia độc lập, tự chủ với 10 năm giữ nước, 10 năm gây dựng sự nghiệp một quốc gia với bao hiển hách (712-722), xứng đáng với lời ngợi ca trong đôi câu đối tại đền thờ thân mẫu Vua khắc đá, ngắn gọn mà thâm sâu:

Tiểu thời diệt hổ, vị mẫu báo thâm thù

Đại thời bình tặc, vị dân trừ đại nhục

(Khi còn nhỏ đã diệt hổ trả mối thù sâu nặng cho mẹ

Khi lớn khôn thì đánh đuổi giặc ngoại xâm để tiêu trừ mối nhục lớn cho nhân dân)


Lễ hội thờ cúng vua Mai Hắc Đế tại Nghệ An

Người anh hùng của dân chỉ bằng tấm lòng và sự quyết tâm nổi dậy, đoàn kết mọi người đã phá tan xiềng xích đô hộ của nhà Đường. Ông thật là người có tầm nhìn xa trông rộng, một con người hội tụ đầy đủ các chữ vàng của một bậc vĩ nhân Việt Nhân- Lễ- Nghĩa- Chí- Tín được đời đời ca ngợi.

Mai Thúc Loan ông mãi là biểu tượng của sự vượt khó kiên trung, của ý chí và nghị lực phi thường, của lòng hiếu thảo sắc son vô bờ đối với đấng sinh thành. Nhưng vượt lên trên tất cả đó là tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn đem lại bình yên cho quốc gia dân tộc. Đó há chẳng phải bậc hiền tài hiếm thấy hay sao?

Nguyệt Hà – ĐKN

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top