Chiều 12/4, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, từ những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển đô thị trong thời gian qua và sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng luật này.

Luật nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch.

Với 7 chương, 66 điều, dự thảo luật thể chế hoá 6 nhóm chính sách về phát triển đô thị, trong đó có việc đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị.

Liên quan đến nội dung này, dự thảo luật quy định bổ sung phương thức và hình thức huy động nguồn lực tài chính, trong đó có một số hình thức được quy định mới hoặc làm rõ hơn, bao gồm chuyển quyền phát triển đô thị, huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư, góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất.

Chính phủ giải thích, chuyển quyền phát triển đô thị là một công cụ mới được quy định trên cơ sở làm rõ quyền bề mặt theo pháp luật về dân sự, quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai và khai thác không gian theo pháp luật về quy hoạch đô thị và xây dựng. Quy định thực hiện chuyển quyền phát triển đô thị giữa các bên liên quan trong dự thảo luật nhằm khai thác thêm nguồn thu ngân sách cho phát triển đô thị.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, bên cạnh những ý kiến đồng tình như tờ trình của Chính phủ thì nhiều ý kiến hơn trong Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần nghiên cứu xây dựng 1 dự án luật chung có phạm vi điều chỉnh bao quát cả các nội dung của dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và các quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Vì trong phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành đã có nội dung quản lý phát triển đô thị. Luật này cũng dành 1 chương quy định về tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Mới thẩm tra sơ bộ, nhưng ý kiến "chia hai phe" như thế khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cảm thấy khá lo ngại.

Nhận xét của bà Nga là dự án luật có rất nhiều khái niệm rất mới: đô thị thông minh, thành phố thông minh, đô thị xanh ...nhưng chưa có tiêu chí rõ ràng.

Riêng khái niệm "chuyển quyền phát triển đô thị", Chủ nhiệm Nga lưu ý đó là một khái niệm mới và sẽ tác động đến việc thi hành Bộ Luật Dân sự, vì thế cơ quan soạn thảo cần chú trọng giải thích rất rõ về quyền này.

Đi vào những quy định cụ thể, một trong những vấn đề Thường trực cơ quan thẩm tra còn ý kiến khác nhau là quản lý và sử dụng đất đô thị.

Theo Chính phủ thì thực tiễn quản lý lĩnh vực đô thị cho thấy, việc xác định đất đô thị có ý nghĩa quan trọng vì đất trong đô thị không chỉ là phương tiện xây dựng đô thị mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển đô thị.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc đất đô thị phải được phân loại theo mục đích sử dụng và không gian sử dụng để phục vụ yêu cầu quản lý đất và phát triển đô thị; quy định về nguyên tắc đất đô thị được sử dụng đúng mục đích, chức năng được xác định trong quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công tác chuẩn bị quỹ đất cho phát triển đô thị theo quy hoạch.

Các nội dung khác như: nội dung loại đất đô thị cụ thể, sử dụng đất đô thị được quy định trong pháp luật về đất đai (cụ thể là trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung) do Chính phủ đang thực hiện).

Bên cạnh ý kiến đồng tình với dự thảo thì loại ý kiến thứ hai tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc phân loại đất đô thị như quy định tại dự thảo luật vì cho rằng việc phân loại đất đô thị phải bảo đảm phù hợp với phân loại đất quy định tại điều 10 Luật Đất đai năm 2013.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đặt ra hàng loạt vấn đề: quy định thu hồi đất trong phát triển đô thị sẽ tác động đến nhà siêu mỏng, siêu méo trong đô thị mà ngay tại Hà Nội cũng còn rất nhiều, như thế nào? Cùng  với Luật Đất đai thì quy định này có giải quyết dược các vấn đề hiện nay của đô thị không?

Trong dự thảo luật, theo ông Hải thì chưa đề cập không gian trên cao của đô thị.

Nhìn trên cao xuống thấy lổn nhổn mái tôn, vứt rác bừa bãi. Cho nên không gian ngầm cần quản lý, nhưng cũng cần quản lý cả không gian trên cao nữa, ông Hải góp ý.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, vẫn còn nhiều điều khoản trong dự luật quy định những vấn đề then chốt lại được giao cho Chính phủ quy định.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam tăng rất nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 37,5% với 813 đô thị năm 2017 thì cần có luật điều chỉnh, nhưng làm luật riêng hay lồng ghép vào các luật khác, trong bối cảnh chính Bộ Xây dựng cũng đang đề nghị sửa Luật Xây dựng… thì phải cân nhắc toàn diện, ông Hiển nói.

Tính quy phạm còn thấp, luật mà viết như nghị quyết  như chủ trương, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét.

Khẳng định cần có luật để quản lý phát triển đô thị, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cần phân biệt rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh, rõ nội hàm, phân định được yếu tố đặc thù để không trùng với các luật khác.

Phó chủ tịch Quốc hội  Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo cần nâng chất lượng dự thảo lên một bước nữa và trình lại Thường vụ Quốc hội vào thời gian hợp lý.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top