UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng cho áp dụng một số cơ chế đặc thù để làm 3 tuyến đường sắt đô thị.
Theo đó, Hà Nội đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị trên như: được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hoá từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án; cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm được chi thường xuyên để chi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất bán đấu giá tài sản công là nhà và đất để tạo vốn làm dự án; được lập các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt…
Giới chuyên gia nhận định, việc Hà Nội thay đổi tư duy vay vốn ODA, chuyển sang kêu gọi đầu tư tư nhân trong nước làm đường sắt là tư duy mới, cần nhân rộng.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị cho tập đoàn T&T và Vingroup được tự đứng ra đầu tư làm hai tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội nói không với với vay vốn ODA, vốn trái phiếu hay kêu gọi vốn của Chính phủ.
Ông Mại cho rằng, hiện nay, các dự án sử dụng vốn ODA tính ra rất đắt đỏ. Nhiều dự án ODA vay lãi suất cao, các nhà thầu chính và thầu phụ đều là của nước ngoài. Xây dựng công trình xong, các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà thầu và thiết bị Việt Nam không học hỏi được gì.
Ngoài tư duy không dựa vốn ngân sách và ODA, Hà Nội cũng đang có kế hoạch tự tiết kiệm chi tiêu, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc thành phố và đặc biệt bán các trụ sở cũ để lấy tiền đổi trả doanh nghiệp xây hạ tầng. Số tiền ước tính khoảng 1 tỷ USD.
"Chúng ta nên mừng vì chủ trương tiết kiệm nguồn chi, điều tiết ngân sách hoặc giảm chi bộ máy để lấy tiền đầu tư. Thay đổi cách nghĩ lâu nay dựa vào ngân sách, vốn ODA của Hà Nội là rất tốt, cần nhân rộng ra các tỉnh khác nữa", vị Giáo sư nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng ủng hộ quan điểm tự lực và thay đổi về tư duy của chính quyền thành phố Hà Nội. Bà Lan cho rằng, khi ngân sách khó khăn, vốn tài trợ thay đổi thì cần dựa vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. Họ (các doanh nghiệp tư nhân) có làm được không? Chắc chắn họ sẽ làm được nếu trao cho họ cơ hội, có cơ chế.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.
UBND thành phố Hà Nội muốn triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào sử dụng trước năm 2025 đối với các tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai là đặc biệt cần thiết. Tổng mức đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị này là 125.614 tỷ đồng.
Trước đó, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho hai tập đoàn Vingroup và T&T làm 3 dự án đường sắt đô thị theo hình thức đầu tư hợp tác công tư - PPP, phương thức (BT: xây dựng - chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng.
Cụ thể, Vingroup đề xuất 2 đoạn tuyến: tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9 km. Còn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, dài 54 km).
Post a Comment