Tôi có con trai 21 tuổi. Trên mạng xã hội tôi kết bạn với con, nên khi đọc được những dòng trò chuyện của con và bạn bè với những lời nói tục tĩu, thô thiển, tôi cảm thấy rất sốc và khó chịu. Sau đó tôi phát hiện phần lớn bạn bè của con đều nói chuyện với nhau như vậy. Phải chăng giới trẻ hiện nay như thế? Tôi có nói chuyện và khuyên nhủ con nhưng nó không hợp tác. Nó nói rằng ai thích kết bạn với nó thì kết, còn không thì thôi, nó không ép. 

Trước đó, hai mẹ con rất thân thiết, mấy năm trở lại đây con tôi mới khó dạy. Tôi từng rất quan tâm đến con, lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, phục vụ tận nơi. Sau đó mọi người khuyên tôi nên để con tự lập hơn, đừng can thiệp sâu, để nó làm chủ cuộc đời. Đến giờ tôi không thể nói chuyện được cùng con nữa.

Con tôi vừa học vừa đi làm thêm, lương khá cao, chi tiêu thoải mái mà không cần xin tôi. Tôi cũng không bao giờ để con phải thiếu thốn, nó xin vẫn cho. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, tôi thấy nó có vẻ lười đi làm hơn. Tôi hỏi thì nó vẫn bảo có lương bình thường, nhưng tôi nghĩ nó đang nói dối vì sợ tôi biết lười đi làm. Hiện tại con tôi không có bạn gái (trước đây có nhưng đã chia tay), cũng ít đi ra ngoài. Chồng tôi bảo có lẽ nó không có tiền nên mới không đi ra ngoài và bị stress. Nhưng nó tự đi làm có tiền, không có thì xin, tôi sẵn sàng cho mà.

Gia đình tôi có nhà cho thuê trọ, chiều nay có người đến báo với tôi là bị mất áo ngực khi phơi ở ngoài. Tôi kiểm tra camera thấy chính con trai tôi lấy rồi mang về phòng. Tôi sốc quá. Liệu có phải con trai tôi bị bệnh không? Chồng tôi bảo hay là vờ như không biết chuyện gì, trước mặt con nói “Hôm nay khu trọ có người bị mất áo ngực, họ lên báo đấy, lát thử mở camera xem thế nào”. Tôi cũng định nói chuyện nhẹ nhàng, nghiêm túc với con nhưng chưa biết có nên không? Mong GS.TS Vũ Gia Hiền và mọi người tư vấn giúp tôi. Tôi cảm ơn rất nhiều.

Trang

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Trang,

Ngày nay, giới trẻ lên mạng tham gia rất nhiều nhóm, các nhóm kết bạn này giống như người xưa dạy “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, tức là người như thế nào thì kết bạn với kiểu người tương tự thế. Trên mạng, nhóm dùng ngôn ngữ tục tĩu là nhóm mới bị “tuột xích”, tức là lâu nay bị giới hạn trong ngôn ngữ thuần phong mỹ tục, khi xuất hiện ngôn ngữ mới hay bị cuốn theo, thường gặp ở lứa tuổi 18- 24. Sau tuổi 24, nhóm này sẽ bị phân ra thành các đàn anh, đàn chị và những người có học thức.

Con trai bạn 21 tuổi, được chăm sóc chu đáo đến cả miếng ăn giấc ngủ, phục vụ tận nơi. Sau đó bạn để con tự lập, không can thiệp sâu, để con tự làm chủ cuộc đời. Đây là mấu chốt của sự chuyển đổi tâm lý mất kiểm soát mà người ta gọi là vô ý để “tuột xích”, bằng việc tính toán có ý thức nhưng lại thiếu hiểu biết về diễn biến tâm lý. Rất tiếc bạn không cho biết thời gian bạn để con tự lập là ở độ tuổi nào, nên tôi không đoán được sự tác động tâm lý về sự tục tĩu của cháu đang ở cấp độ nào.

Vì bạn để con “tuột xích” nên hiện tại mới không thể nói chuyện được với con. Lẽ ra bạn phải buộc dây vào cái xích rồi thả từ từ, đằng này bạn lại thả luôn như biến con từ ngựa nhà thành ngựa hoang. Điều này thường gặp ở một số cháu có cá tính và bị trói buộc từ nhỏ.

Con bạn vừa học vừa làm thêm lương khá cao, chi tiêu thoải mái mà không cần xin thể hiện cá tính mạnh mẽ và quyết tâm của cháu. Tuy nhiên bạn không bên cạnh con để xem vừa học và làm thêm, con có quá sức hay không, đây là vấn đề có thể gây ra hậu quả khó lường. Khi thấy khoảng một năm trở lại đây, con có vẻ lười đi làm hơn, bạn không hỏi con xem vì chán đi làm hay có trở ngại gì trong công việc… Vậy nên tôi không đoán được việc con bạn lười đi làm là do đâu.

Nguy cơ xuất hiện là hiện tại con bạn không có bạn gái, trước đây có nhưng đã chia tay, cũng ít khi đi ra ngoài. Những biểu hiện này cho thấy con bạn có thể bị sốc tâm lý, từ đó dẫn đến biến đổi tâm sinh lý theo hướng sợ sệt, bắt đầu bước vào giai đoạn trầm cảm nhẹ. Để vượt qua, bạn nên đưa cháu đi khám tại khoa sức khỏe tâm thần để điều trị sớm. Nếu để lâu bệnh trầm cảm sẽ tăng lên và có thể xuất hiện các hiện tượng tâm lý bất thường. Lưu ý, những người này thường không nhận ra họ bị bệnh và rất sợ người khác chê họ, nói họ bị tâm thần. Vì thế, khi bạn đưa con đi khám, cần tế nhị, đừng nói là đi khám tâm thần để tránh phản ứng tiêu cực từ cháu.

Hiện tượng con bạn lấy trộm áo ngực là hiện tượng ảo giác có nguồn gốc từ tâm lý thất tình. Bạn thử xem con có bị thất tình không nhé. Nếu không thì đây là hiện tượng tâm lý bất thường từng xuất hiện ở một số người chuyên trộm đồ lót của phụ nữ. Họ bị một ảo giác nào đó làm cho mê hoặc và nghĩ đến chiếm hữu. Con bạn đang có dấu hiệu của tâm thần ảo giác nên cần đưa cháu đi bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm.

Bạn không nên mở camera để con xem hoặc nói đến chuyện này vì có thể khiến con xấu hổ, dễ dẫn đến nguy hiểm. Bạn cũng không nên nói chuyện nhẹ nhàng hay nghiêm túc vì con đang có ảo giác về giới tính và muốn chiếm hữu một cách bí mật. Đây cũng có thể là trò chơi của những người biến thái về tâm lý giới tính, họ cần phải điều trị dưới dạng tham vấn tâm lý, tức là nhà tâm lý phải hòa vào động thái hành vi của đối tượng, từ đó cùng đối tượng tìm ra cách gỡ những nút thắt tâm lý. Bạn có thể đưa cháu đến một số trung tâm tham vấn tâm lý để có sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.

Chúc bạn sự bình tĩnh, nhẹ nhàng và sáng suốt.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top