Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, không có biên bản hoặc biên bản quá 1 năm về kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy... sẽ không đủ điều kiện để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Mặc dù mỗi năm có hàng trăm vụ cháy nổ diễn ra tuy nhiên theo trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dẫn số liệu Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, hiện nay trên toàn quốc mới chỉ có 56% cơ sở (tương đương 43.693 đơn vị) có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Điều này cho thấy vẫn còn đến 44% cơ sở khác có nguy hiểm về cháy nổ nhưng chưa tham gia bảo hiểm.

"Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức", ông Huyền cho biết.

Cũng theo Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trường hợp ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

"Đặc biệt, theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4/2018, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này", ông Huyền nói.

Cụ thể, đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ sẽ phải đóng phí bảo hiểm 0,05%/năm. Các loại nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) sẽ phải đóng phí bảo hiểm phòng chống cháy nổ bắt buộc lên đến 0,1%/năm.

"Ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định số 23, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng", ông Huyền cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, mặc dù Nghị định số 23 khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng vẫn nên mua bảo hiểm cháy nổ; song trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ.

Đó là các cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Những cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy cũng sẽ không đủ điều kiện mua bảo hiểm cháy nổ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top