Ban tư vấn do Thủ tướng thành lập, nếu có, thì cũng không nên đặt tại các đặc khu, đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Dự thảo luật được các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận sáng 4/4.

Ban tư vấn được bà Lan đề cập có tên đầy đủ là Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu.

Đây là quy định mới được bổ sung tại dự thảo luật mới nhất, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu, theo giải thích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì quyền hạn giao cho ban tư vấn này tương đối lớn với một loạt đầu việc mà chủ tịch UBND đặc khu phải xin ý kiến của ban này.

Ông Tám phân tích, nếu chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm thẳng từ Thủ tướng xuống thì việc có ban tư vấn này rất quan trọng nhưng khi tại đặc khu đã có hội đồng nhân dân cùng cấp, rồi có rất nhiều cơ quan giám sát khác ở tỉnh thì việc có thêm ban tư vấn do Thủ tướng thành lập như vậy vô hình chung lại thêm ràng buộc với chủ tịch UBND Đặc khu.

"Tôi thấy không cần thiết có ban này nữa vì theo hệ thống đã có rất nhiều thiết chế kiểm tra, giám sát hoạt động của đặc khu rồi", ông Tám góp ý.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Lan cũng cho rằng quy định về chức năng nhiệm vụ ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu trong dự thảo luật đã chỉnh lý xác định đặc khu là một cấp chính quyền có hội đồng nhân dân là chưa phù hợp.

Dự thảo luật cũng nêu quy định UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền quản lý tại đặc khu theo luật này và các luật khác, nghĩa là cấp tỉnh vẫn thực hiện đầy đủ quyền chỉ đạo với đặc khu như một cấp chính quyền trực thuộc. Như vậy đã đủ sức kiểm soát các hoạt động tại đặc khu theo các luật hiện hành, bà Lan nói.

Vì thế, theo bà Lan, việc lập thêm ban tư vấn của Thủ tướng chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tại đặc khu. Có thêm ban này là chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát, điều hành của nhiều cấp rồi, lại thêm một cơ chế khác, sẽ thành bó buộc.

Đại biểu Quảng Ninh cho rằng, tính chất hoạt động của ban này là đối với những vấn đề lớn, có khả năng ảnh hưởng đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng… của đặc khu cũng như của cả nước. Ở tầm đó thì cần giao thẩm quyền giám sát cho các cơ quan tham mưu của Chính phủ là các bộ, ngành. Như vậy là Ban Tư vấn, nếu có, thì cũng không nên đặt tại đặc khu.

Cũng băn khoăn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích, mô hình mới của chính quyền đặc khu được thiết kế theo nguyên lý cân bằng quyền lực. Với các vấn đề lớn, đặc khu phải xin ý kiến ban tư vấn nhưng như vậy có nghĩa ban này không hoạt động thường xuyên mà nên thực hiện giám sát theo chuyên đề. Như thế sẽ giúp tránh tình trạng phải xử lý cán bộ làm sai khi việc đã xảy ra rồi mà cũng không làm "vướng chân" cơ quan điều hành trực tiếp tại đặc khu.

Cũng liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền, vấn đề gây tranh luận nhiều chiều của dự án luật, dự thảo luật mới nhất  xác định đặc khu là một cấp chính quyền địa phương, có cả hội đồng nhân dân và UBND.

Một số vị đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định số lượng đại biểu hội đồng nhân dân đặc khu là 15 người nhưng lại không rõ về tỷ lệ hay số lượng tuyệt đối số đại biểu chuyên trách mà chỉ quy định chung chung "đa số là chuyên trách", khi thực hiện dễ lúng túng.

Ngoài ra, việc duy trì cả 2 cơ quan văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng UBND tại đặc khu cũng chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy đang triển khai hiện nay.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top