Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

Đây cũng là tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ quán triệt đến các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới" diễn ra sáng 9/4.

Trước khi làm phải tính sản xuất bao nhiêu, bán cho ai

Đánh giá về tình hình sản xuất nông sản của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua với nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao.

"Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Cùng với đó, từ Chính phủ, Quốc hội đến các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu doanh nghiệp, nông sản củ quả của Việt Nam.

"Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn. Việc tìm thị trường cho nông sản là việc nhà nước phải làm, nhưng doanh nghiệp, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này.

Đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường, phân phối phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Tôi quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

"Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến nông sản, bởi chế biến là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Muốn thoát lệ thuộc Trung Quốc phải tìm nhiều thị trường mới

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích thêm về khía cạnh thị trường.

Theo đó, hiện Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, có những mặt hàng nông sản mà Trung Quốc. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông sản Việt lại bị ùn ứ, nguyên nhân là bởi tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch.

"Dây là kênh mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi Trung Quốc siết chặt thì chúng ta gặp khó khăn ngay lập tức", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cách duy nhất là phải tích cực tìm kiếm, khai thác thêm nhiều thị trường mới.

"Để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam", ông Trần Tuấn Anh khuyến nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa thì cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi.

Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top