Tôi 38 tuổi, có 2 con, cuộc sống gia đình bình thường. Tôi mở hàng ăn. Vì thích và nấu ăn khá ngon, lại hay sáng tạo các món mới lạ, độc đáo nên quán của tôi rất đông khách. Tôi thường phải làm từ 3-4 giờ sáng cho đến tận 11-12 giờ khuya mới nghỉ. Chồng tôi phụ trách thu tiền và trông coi nhân viên, còn tôi chủ yếu đứng bếp. Hiện tại, kinh tế gia đình tôi cũng dư dả, thoải mái.
Cách đây hơn một năm, chồng tôi phát hiện bị khối u. Do bước đầu chẩn đoán nhầm là u ác tính nên gia đình tôi rất lo lắng. May sao khi kiểm tra kỹ lại thì đó là u lành, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, có thể điều trị dần tại nhà. Thời gian này, tôi luôn ở bên chăm sóc, động viên chồng. Nhưng từ khi biết mình mang bệnh, anh hành tôi nhiều hơn. Anh nghỉ hẳn việc để dưỡng bệnh, thường xuyên than phiền, cáu gắt. Anh luôn cho rằng mình là bệnh nhân yếu ớt, cần chế độ chăm sóc đặc biệt, đòi hỏi tôi phải làm theo ý anh.
Hôm vừa rồi đi khám lại, bác sĩ thông báo sức khỏe của anh đã ổn định, khuyên nên vận động nhẹ nhàng, có thể làm việc bình thường, không cần kiêng khem quá mức. Biết vậy nhưng anh luôn ủ dột và cho rằng mình bệnh nặng, yếu ớt, cứ thấy tôi là kêu ca, than vãn. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi hơn cả là về đêm anh như biến thành người khác, luôn đòi hỏi và mạnh mẽ. Nhiều hôm mệt, tôi từ chối liền bị anh nhiếc móc, chửi mắng, sau đành chịu trận cho xong. Tôi cảm thấy rất căng thẳng, mệt mỏi mà chẳng dám tâm sự cùng ai. Mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi xin lời khuyên.
Lan
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân gợi ý:
Lan thân mến,
Trước khi bị bệnh chồng bạn là người thế nào, có cộc cằn thô lỗ không? Nếu có thì vốn dĩ anh ta đã như vậy, bệnh tật là cái cớ để anh ta bộc phát thêm mà thôi. Còn nếu trước đó anh ta không như thế, thì đây là sự thay đổi tâm tính khi một người khỏe mạnh bị bệnh. Bệnh tật khiến chồng bạn lo lắng, sợ hãi. Dù đã được bác sĩ thông báo là ổn định, nhưng có thể anh ta lo sợ sẽ bị lại hay có khối u ở chỗ khác, hoặc sợ kết luận của bác sĩ chưa chính xác vì ban đầu từng bị chẩn đoán nhầm. Cho tôi hỏi, trước khi chồng bị bệnh, bạn đối xử với chồng thế nào? Có thường hay cáu gắt, thiếu quan tâm hoặc lên mặt vì mình là người giỏi kiếm tiền không? Bởi cũng có thể anh ta ấm ức thái độ của bạn mà chưa dám nói, đến khi bị bệnh mới dựa vào để hành lại vợ.
Còn chuyện quan hệ vợ chồng cũng tương tự. Trước khi bệnh, sức khỏe tình dục của chồng bạn thế nào? Nếu giống hiện tại hoặc hơn một chút thì không có gì bất thường. Có thể do trong thời gian dưỡng bệnh, chồng bạn được bồi dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ nên sức khỏe cải thiện hơn so với trước kia. Tuy nhiên, nếu khả năng tình dục của chồng bạn tăng đột biến, tức là thời gian quan hệ lâu hơn, đòi hỏi nhiều lần hơn, thì rất có thể anh ta đang dùng thuốc kích dục. Khi trải qua cảm giác bị bệnh nặng, sắp phải chết (chẩn đoán nhầm là khối u ác tính), có thể anh ta lo sợ điều đó sẽ thành sự thật nên muốn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, bù lại quãng thời gian trước đây làm lụng vất vả. Và tình dục cũng là điều anh ta muốn được thỏa mãn.
Dựa vào những phân tích ở trên bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân chính xác vì sao chồng bạn lại trở nên như vậy. Nếu do bạn trước đó có thái độ chưa tốt với chồng, hãy cố gắng điều chỉnh lại, nói rõ với chồng những suy nghĩ của mình và hứa sẽ thay đổi. Đa phần đàn ông đều thích nghe những lời nhẹ nhàng, ấm áp từ vợ. Nếu anh ta bộc phát tính tình do bệnh tật, sợ bị kết luận nhầm hoặc bị bệnh lại, bạn nên nhẹ nhàng phân tích cho chồng hiểu, nhờ người thân, bạn bè hoặc đưa chồng đi khám thêm ở một vài nơi khác để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn để chồng yên tâm. Còn vấn đề tình dục, bạn hãy để ý xem anh ấy có hành động bất thường như lén lút sử dụng thuốc không nhé.
Về phần bạn, hãy quan tâm, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Cũng có thể áp lực do chồng bị bệnh, cộng thêm công việc ở quán bận rộn khiến bạn mệt mỏi nên cảm thấy đòi hỏi của chồng quá cao. Bạn có thể thuê thêm người làm, giảm bớt công việc cho mình. Hãy dành thời gian rèn luyện sức khỏe, ăn ngủ đầy đủ, tận hưởng cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng nên nói rõ những suy nghĩ, ấm ức của mình để chồng hiểu anh ấy đang cư xử quá đáng và không cố gắng chịu trận nếu bản thân chưa sẵn sàng. Khi nói ra được, bạn sẽ đỡ bị căng thẳng và mệt mỏi.
Chúc bạn sớm tìm ra nguyên nhân và có cách giải quyết phù hợp.
Muốn được chuyên gia Trần Kim Xuân tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.
Post a Comment