Tại hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 5 quan điểm cốt lõi khi quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất, phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng.
Thứ hai, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Không nhìn nhận vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng khó khăn, toàn thách thức mà ngược lại cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển.
“Bài học kinh nghiệm trên thế giới cũng đã cho chúng ta thấy, Israel là quốc gia thiếu nước ngọt, nhưng họ lại có nền nông nghiệp phát triển và hiệu quả nhất thế giới với các phương thức canh tác chưa từng thấy; (Dubai ở Trung Đông không có nhiều tài nguyên (dầu mỏ) và toàn xa mạc nhưng vẫn có nhưng đô thị phát triển mà nhiều người nổi tiếng muốn đến sống như Đảo Cọ”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Thứ ba, đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của Vùng.
Thứ tư, tăng cường liên kết, xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng. Mọi vấn đề lớn, quan trọng cần được giải quyết trong mối liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia, kinh tế biển (bao gồm cả Biển Đông và Vịnh Thái Lan), tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Năm là, đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của Quy hoạch vùng. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Để đảm bảo thực hiện quy hoạch, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch vùng cũng như trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư của từng địa phương.
"Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Post a Comment