Tại Hội thảo Quốc gia Vượt qua khủng hoảng ngành hành không Việt Nam sáng 25/11, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, ngành hàng không Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, trung bình 15,8% một năm thì bất ngờ gặp khó do đại dịch Covid 19.
Đến hiện tại, chưa thể xác định khi nào là thời điểm kết thúc dịch bệnh, kết thúc khó khăn của ngành vận tải hàng không.
VIETNAM AIRLINES XIN THÊM HỖ TRỢ
Kinh doanh cốt lõi hàng không suy giảm nghiêm trọng, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế - IATA ước tính, năm 2020 riêng nhu cầu vận chuyển hàng không 1,8 tỷ người đi lại bằng mức 2003, cách đây 20 năm.
Riêng hàng không Việt Nam thiệt hại 4 tỷ USD trong năm nay. Mặc dù thị trường nội địa hồi phục sản lượng nhưng sức mua yếu, dư thừa tải cung ứng quốc tế chuyển sang nội địa, khiến các hãng buộc phải cạnh tranh lẫn nhau như giảm mạnh giá vé, ảnh hưởng hiệu quả tài chính các hãng hàng không trong nước.
Thậm chí, sự phát triển nóng không theo quy hoạch của ngành hàng không, nguồn lực không đủ, xảy ra tình trạng lôi kéo, tranh giành từ các hãng hàng không về phi công, nhân viên kỹ thuật, điều hành điều phối bay. Đây đều là đối tượng cần nhiều thời gian chi phí đào tạo, uy hiếp an toàn bay.
Thị trường quốc tế đóng băng, các chuyến bay nếu có chủ yếu là tập trung hồi hương, chở chuyên gia đến Việt Nam. Trong áp lực dòng tiền, các hãng vẫn phải trang trải chi phí thuê mua, bảo dưỡng tàu bay, ảnh hưởng nghiêm trọng hiệu quả tài chính của các hãng hàng không Việt Nam.
Ông Hoà nhấn mạnh, những khó khăn với Vietnam Airlines đã được chỉ ra rất nhiều từ trước đó. Do vậy, thời gian tới, hãng này tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành hàng loạt biện pháp nhằm phục hồi khó khăn.
Cụ thể, kiến nghị Chính phủ duy trì giảm 50% phí cất hạ cánh, giảm dịch vụ điều hành bay, giảm thuế môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít xuống còn 900 đồng/ lít cho đến hết năm 2021. Quy định cơ quan nhà nước, công ty có vốn góp nhà nước đi lại mục đích công vụ sử dụng các chuyến bay của Vietnam Airlines theo tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức cho vay không lãi suất để trả lương. Đại diện Tổng công ty Vietnam Airlines cho biết, Chính phủ các nước trên thế giới đã tài trợ 173 tỷ USD cho các hãng hàng không, trong đó tài trợ lương 46 tỷ USD, đây là phần không hoàn lại. "Chúng tôi đưa ra tham khảo để tái khẳng định mong muốn của các hãng hàng không quốc gia và các hãng trong nước cần hỗ trợ về tiền lương của người lao động", ông Hoà nói.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tải cung ứng phù hợp với mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không giảm giá quá thấp dưới giá thành để cạnh tranh gây thiệt hại lẫn nhau.
Đồng thời, tháo gỡ quy định về khung giá tối đa ngành dịch vụ hàng không, tạo điều kiện thuận lợi các hãng thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, tối ưu hoá doanh thu, đa dạng hoá sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh dịch covid 19. Kiến nghị cơ quan chủ quản nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác khai thác, tạo điều kiện Vietnam Airlines đầu tư Cảng hàng không Long Thành, nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hàng không quốc tế.
Cuối cùng, Chính phủ, cơ quan chủ quản điều tiết quy mô tốc độ tăng trưởng ngành hàng không đảm bảo phù hợp với quy mô thị trường, đảm bảo nguồn lực xã hội, sức khoẻ ngành hàng không. Cụ thể, số lượng tàu bay đăng ký cấp mới không quá 8% một năm, không cấp phép đăng ký bổ sung tàu bay trong năm 2020 -2021 cho đến khi các hãng phải sử dụng hết tàu bay nằm đất.
"Không cấp giấy phép đăng ký vận tải kinh doanh mới cho các hãng hàng không mới ít nhất đến năm 2024, chỉ cấp khi có kế hoạch khai thác rõ ràng, tự chủ nguồn lực chất lượng cao về phi công, tiếp viên, kỹ sư máy bay, điều phối bay, rà soát đánh giá quy hoạch phát triển ngành hàng không đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững của các ngành vận tải", ông Hoà kiến nghị.
VIETJET AIR MUỐN ĐƯỢC VAY VỐN NHƯ VIETNAM AIRLINES
Cũng tại hội thảo, sau khi chỉ ra hàng loạt khó khăn gặp phải, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc tài chính của hãng hàng không VietJet Air kiến nghị nhiều giải pháp giúp hãng này phục hồi hậu Covid.
Cụ thể, VietJet Air kiến nghị vay vốn 4.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước cho các Ngân hàng thương mại. "Chúng tôi mong muốn có thể chỉ định hai ngân hàng nước có tiềm lực mạnh để tham gia cùng vào hỗ trợ cho hàng không, sau 3 năm (2023-2025) chúng tôi có thể trả lãi suất vay ưu đãi cùng vốn để vượt qua khủng hoảng", bà Yến Phương đề xuất.
Ngoài ra, với chính sách thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, theo bà Yến Phương, trước Quốc hội cho phép giảm 30% hết năm 2020, VietJet Air đề xuất xin giảm 70% cho hết năm 2021. Giảm phí, lệ phí tiếp tục giảm phí 50% phí hạ cất cánh đến hết năm 2021.
"VietJet Air là doanh nghiệp hàng không trẻ tham gia thị trường, chúng tôi nhắm vào thị trường quốc tế nhưng doanh thu thị trường này giảm mạnh là gánh nặng với hãng. Dù chúng tôi đã cố gắng giảm thua lỗ hết sức nhưng với nợ cao trên 10.000 tỷ đồng cần một sự hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng", bà Phương nói.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các hãng hàng không đừng chỉ nên bàn về giải pháp, xin Chính phủ miễn giảm các loại thuế, phí hay vốn mà phải tìm cách khôi phục thị trường nội địa.
"Thị trường quốc tế khó khăn thì thị trường nội địa là chỗ dựa, các hãng hàng không phải kích hoạt cho thị trường nội địa sống động lên chứ không chỉ trực diện xin cho của Chính phủ. Sắp tới đây có Hội nghị toàn quốc bàn về phát triển du lịch, hàng không và du lịch phải phối hợp với nhau để tạo sức cầu nội địa", ông Thiên nhấn mạnh.
Post a Comment