Kinh tế Ấn Độ rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Giới phân tích cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại để hồi phục.
Trang CNN Business dẫn số liệu do Chính phủ Ấn Độ công bố ngày 27/11 cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 3 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 3 năm ngoái, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng hơn 4%.
Trước đó, trong quý 2, kinh tế Ấn Độ trải qua cú sụt giảm "kinh hoàng" 24%.
"Để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19, các biện pháp hạn chế đã được đặt ra đối với nhiều hoạt động kinh tế", Bộ Thống kê Ấn Độ nói trong một tuyên bố. "Những hạn chế này đã dần được gỡ bỏ, nhưng đã gây ra ảnh hưởng về mặt kinh tế".
Ngành sản xuất của Ấn Độ đã tăng trưởng trở lại, nhưng ngành dịch vụ có quý giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm hai con số. Chi tiêu của chính phủ cũng giảm mạnh do "không có phản ứng đầy đủ bằng tài khóa với cuộc khủng hoảng"- chuyên gia kinh tế Shilan Shah thuộc Capital Economics nhận định.
Việc hãng dược Anh AstraZeneca mới đây công bố kết quả hứa hẹn về thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 là một tin tốt cho Ấn Độ, bởi nước này hiện là nước đặt mua nhiều nhất vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Theo dự kiến, vaccine Covid-19 mà AstraZeneca bán cho Ấn Độ sẽ được sản xuất ngay tại nước này.
Vaccine là "dấu hiệu khả quan nhất cho thấy Ấn Độ có ‘cửa’ để chấm dứt đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội vốn gây sức ép lên nền kinh tế", ông Shah viết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, chuyên gia Priyanka Kishore thuộc Oxford Economics cho rằng những thách thức về phân phối có thể sẽ khiến vaccine Covid-19 phải đến giữa sang năm mới được tiêm rộng rãi ở Ấn Độ. Ngoài ra, vaccine của AstraZeneca đang phải cần thêm dữ liệu mới có thể được cơ quan chức năng phê chuẩn.
Vì lý do này, cả ông Shah và ông Kishore đều dự báo kinh tế Ấn Độ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. "Việc không có phản ứng toàn diện bằng chính sách tài khóa sẽ đặt ra bất lợi cho tăng trưởng", ông Kishore dự báo.
Theo ông Shah, trong môi trường như vậy, chính sách tiền tệ của Ấn Độ sẽ tiếp tục ở trong tình trạng siêu lỏng lẻo trong tương lai gần và khó có chuyện lãi suất bắt đầu tăng vào năm 2022 như dự báo của thị trường.
Số liệu GDP của Ấn Độ cho thấy rủi may trái ngược của nước này và Trung Quốc trong đại dịch.
Trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới vẫn chật vật xoay sở để vượt đại dịch, kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc trong quý gần nhất. Từ đầu dịch, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã triển khai các biện pháp phong tỏa và truy dấu virus một cách nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan, đồng thời chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo dự báo của Quỹ Tiên tệ Thế giới (IMF), Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có được sự tăng trưởng trong năm 2020.
Post a Comment