Ngoài nhân sự, Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày làm việc để xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2016.
Sáng sớm 20/7, trong gần 500 vị đại biểu về phòng Diên Hồng - nhà Quốc hội dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14 - có đến hơn hai phần ba là người mới.
Thông tin từ cuộc họp báo chiều 19/7 nêu rõ, khác với các khóa trước, Quốc hội khóa 14 sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Vì, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Những người có số ghế ở phòng Diên Hồng đều đã vượt qua thử thách đầu tiên này, vòng thử thách mà ở đó, hai người đã không thể bước tiếp. Một người là doanh nhân nổi tiếng, đã trải nghiệm hai nhiệm kỳ ở Quốc hội. Người khác cũng khá nổi tiếng, từng giữ chức phó chủ tịch UBND một tỉnh.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 đã được ban hành sáng 18/7.
Nhưng theo luật, nhiệm kỳ của các vị đại biểu khoá mới chỉ bắt đầu từ khi họ cất tiếng hát quốc ca khai mạc kỳ họp thứ nhất, kéo dài 5 năm, cho đến khi Quốc hội khoá 15 khai mạc kỳ họp thứ nhất.
Đa số trong 494 vị đã được xác nhận đủ tư cách làm đại diện cho dân ở Quốc hội vẫn còn khá xa lạ, từ chiếc nút bấm điện tử để biểu quyết, cho đến những vấn đề mà các vị đại diện cho dân ở Quốc hội phải nghiên cứu, tham vấn, quyết định.
Nhưng công việc thì không chờ đợi họ, ngay trong 10 ngày đầu tiên - 10 ngày diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ mới, họ sẽ phải thay mặt cử tri quyết định với một vấn đề quan trọng bậc nhất với đất nước trong 5 năm tới: nhân sự cấp cao.
Theo chương trình dự kiến, việc nhân sự sẽ bắt đầu từ chiều 20/7 cho đến hết ngày 28/7.
Ngoài bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Quốc hội còn quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và phê chuẩn các thành viên Chính phủ.
Ba tháng trước, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13, Chính phủ đã được kiện toàn với đa số các thành viên mới.
Từ đó đến nay, hai từ vất vả luôn gắn với những nhận xét về hoạt động của Chính phủ. Song, nói như Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, thì Chính phủ vất vả nhưng nhân dân lại chấm điểm ở kết quả.
Mỗi vị đại biểu nhìn nhận, đánh giá kết quả ấy như thế nào, chắc hẳn có ảnh hưởng đến mỗi lá phiếu bầu/phê chuẩn các thành viên Chính phủ ở kỳ họp mới này.
Ngoài nhân sự, Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày làm việc để xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2016.
Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, trong bối cảnh đa số các vị đại biểu không phải là người quyết định chi tiêu ngân sách hai năm trước.
Và, với kỷ luật ngân sách lỏng lẻo kéo dài đã nhiều nhiệm kỳ, thì ngay cả với các vị đại biểu dày dạn kinh nghiêm nghị trường, phê chuẩn quyết toán cũng rất “đau đầu”.
Không xem xét bất cứ dự án luật nào, nhưng ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ phải quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cùng chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Theo thông lệ, các kỳ họp của Quốc hội luôn “thành công tốt đẹp”, kỳ này chắc cũng không ngoại lệ.
Nhưng 10 ngày đầu tiên là quá ngắn ngủi so với cả một nhiệm kỳ 5 năm của mỗi vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Và, họ chỉ tròn trách nhiệm khi thực hiện hết quyền cử tri trao cho họ để làm nên thực quyền của Quốc hội.