Hạnh phúc của con cái nằm trong tay bố mẹ, xin đừng bạo hành thể xác hay tinh thần con trẻ.
Bố đi xuất khẩu lao động khi mẹ mang bầu tôi được 6 tháng, anh trai tôi lúc đó 3 tuổi. Ngày bố trở về nước tôi đã 6 tuổi, vẫn nhớ ngày đó tôi đứng nép từ xa nhìn bố. Cuộc sống tôi bước sang ngã rẽ khác kể từ ngày ấy.
Tôi chỉ nhớ khi bố về nước mang theo một khoản nợ, thi thoảng lại có người đến nhà đòi. Mỗi lần như thế mẹ khóc rất nhiều rồi vẫn giúp bố trang trải nợ nần. Có lần tôi thấy mẹ suy sụp, ốm mấy ngày không dậy được, sau này mới nghe họ hàng nói bố sống cùng người phụ nữ khác những ngày tháng xa nhà, người đó đã có gia đình. Từ đó tôi không nhớ bao nhiêu lần diễn ra việc bạo hành trong gia đình.
Có lần bố lấy con dao rượt đuổi tôi khi lên 7 tuổi, sợ quá tôi trèo lên tường nhảy qua cái hàng rào sang nhà hàng xóm (không hiểu sao tôi có thể nhảy qua được hàng rào cao ấy). Có lần vì theo mẹ về quê, bố gọi tôi lại tát một cái như trời giáng. Rồi khi anh tôi 17 tuổi, tôi 14 tuổi, anh em ngồi nói chuyện với mẹ: "Nếu mẹ không ly dị bố, chúng con sẽ không ở nhà nữa. Con thấy khổ quá rồi".
Gia đình khó khăn, anh em chúng tôi vừa học vừa làm, nuôi lợn nuôi gà, dệt vải, làm bánh, làm giấy quấn kẹo có hôm đến 2h sáng mới đi ngủ. Chúng tôi luôn mang theo giấc ngủ một sự lo lắng và trong giấc mơ ngày ấy muốn được quay lại khi bố chưa về nước, để tôi luôn được yêu thương.
Ngày bố mẹ chia tay, anh em tôi như trút được gánh nặng. Bố bảo chia đôi tài sản, đến nồi kho thịt đang để bếp bố còn đổ thịt đi để lấy nồi. Mẹ cho bố lấy đi những gì ông muốn, điều kiện duy nhất là anh em tôi được ở với mẹ. Mẹ yêu thương, chăm sóc anh tôi hơn chính cuộc đời bà. Sau 3 tháng chia tay, bố tôi lấy vợ mới, đám cưới linh đình tổ chức ở quê của ông bà nội. Ngày cưới bố, anh em tôi đến dự, mọi người bên nội ai cũng lo anh em tôi làm liều. Trong buổi lễ, tôi đứng lên nói: "Chúng con chúc bố hạnh phúc, chúc con tương lai của bố sẽ không phải đứng ở vị trí như con lúc này". Rồi tôi bước ra khỏi ngôi nhà của ông bà nội, bước ra khỏi cuộc đời bố từ đó.
Năm anh trai 20 tuổi đã vào Nam lập nghiệp. Ứớc mộng đi đâu đó nó ngấm vào trong tôi từ lúc nhỏ, khi chưa tròn 18 tuổi tôi được mẹ vay tiền cho đi du học. Vì sợ gánh nặng kinh tế, mẹ và anh bán nhà trả nợ trước kỳ hạn vì mẹ bảo không muốn tôi bị áp lực kinh tế. Học xong có công việc ổn định, tôi mua lại nhà cho mẹ, anh trai cũng có ngôi nhà nhỏ cho riêng mình.
Hạnh phúc tưởng chừng như trọn vẹn thì anh tôi bị bệnh hiểm nghèo, gia đình tôi như con thuyền nhỏ gặp bão. Chín tháng sau anh ra đi, để người vợ trẻ và đứa con trai chưa tròn hai tuổi cùng mẹ và tôi.
Mẹ tôi suy sụp từ ngày anh ra đi. Tôi cố gắng động viên và thuyết phục mẹ sang sống cùng gia đình nhỏ của tôi. Có bọn trẻ con ríu rít nên mẹ cũng bớt buồn dù biết mẹ vẫn nhớ anh hàng đêm. Ngày giỗ hay ngày sinh nhật anh, mẹ luôn chuẩn bị những món anh thích. Tôi nhớ anh da diết vì ngày xưa anh vừa làm anh vừa làm bố, nghiêm khắc với tôi từ cách ăn, cách nói năng. Anh vẫn bảo: "Mình không được làm mẹ buồn". Từ ngày anh tôi mất, chị dâu vẫn ở một mình nuôi con, chị bảo sợ cháu tôi thiệt thòi.
Rồi một ngày kia giông tố lại ập đến khi bác sĩ thông báo mẹ tôi bị bệnh hiểm nghèo, trời như sụp dưới chân tôi vậy. Tôi mất phương hướng dù mẹ luôn là người động viên tôi. Rồi tôi cố gắng xoay xở để chị dâu và cháu sang thăm mẹ, tinh thần của mẹ tốt hơn rất nhiều khi con cháu nội ngoại kề bên dù tình trạng bệnh ngày càng xấu đi. Chị dâu tôi đi làm và cháu tôi rất thích môi trường học mới, cuộc sống của hai mẹ con cũng dần ổn định mỗi ngày.
Hơn 20 năm bước ra cuộc đời, tôi luôn thấy mình là người may mắn, bao người xa lạ nhưng trở nên thân quen. Tôi nhớ ai đó an ủi khi thấy mình ngồi khóc tại bến xe bus những ngày đầu xa nhà nhớ mẹ nhớ anh; nhớ ai đó thấy tôi bước trong mưa dừng xe lại cho quá giang; nhớ ai đó cố gắng giải thích cho tôi hiểu vì sự bất đồng ngôn ngữ những ngày đầu nơi xứ người, nơi tôi không hề quen biết một ai. Nhận được quá nhiều sự tử tế nên tôi luôn muốn trao lại những điều ấy với mọi người quanh mình. Rồi khi ngồi tĩnh lặng, tôi luôn tự hỏi: "Tại sao tôi không làm được điều tử tế đó với bố, người đã sinh ra mình".
Mỗi lần nhìn thấy các con được bố chúng ôm ấp, được cõng trên vai, được chăm sóc và lo lắng, được nói rằng: "Con cứ bước đi, có bố ở bên" tôi thấy sống mũi cay vì hạnh phúc, vì các con đang được đón nhận những tình cảm quý giá mà cả tuổi thơ tôi chưa bao giờ chạm tới|. Quá khứ đã nuôi dưỡng và cho tôi sự chín chắn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Quá khứ đã làm tôi trong mắt nhân viên gọi là "người đàn bà thép". Tôi dặn mình rằng quá khứ đã qua, hãy để cho nó ngủ yên để mình sống thanh thản hơn.
Suy nghĩ và hành động là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, đôi khi tôi nghĩ đến việc sẽ liên lạc với cha thì những gì đã xảy ra hơn 20 năm lại trở về. Có những đêm tôi vẫn giật mình khi tỉnh cơn ác mộng bị bố đuổi đánh. Ai đã trải qua những gì tôi gặp phải, xin hãy chỉ giùm cách lãng quên hay chấp nhận, để nó không còn là niềm đau.
Trân trọng cảm ơn các bạn đã đọc những dòng tâm sự này. Chúc cho những mái ấm gia đình luôn hạnh phúc, chúc cho cuộc sống không còn những đứa trẻ phải sống những ngày tháng như tôi từng trải qua.
Thùy
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc