Nhà tôi có bảy anh chị em. Các anh chị tôi đều 40-50 tuổi. Bố mẹ "vỡ kế hoạch" nên sinh thêm tôi.
Tôi 28 tuổi, không thân với anh chị mấy, chỉ chơi với các cháu nhiều hơn. Mẹ tôi mất hơn 20 năm rồi, bố ở vậy nuôi con. Trước đây nhà tôi ở sâu trong làng, đường xá bất tiện, anh chị lập gia đình rồi ra đường lớn tiện việc buôn bán. Căn nhà từ đường hiện tại bố đã sang tên cho anh tôi, là con trai út; có điều anh làm ăn tận miền Tây, ít khi về nên bố sống một mình. Các anh chị ở gần, hàng ngày vẫn lui tới chăm nom bố. Tôi lấy chồng xa, cách nhà 200 km, vài tháng mới về một lần.
Dịch Covid xảy ra, vợ chồng chị hai thất nghiệp. Anh chị tuổi đã lớn nhưng không có con, chị hai làm nghề dọn phòng khách sạn, anh rể làm bảo vệ. Hơn một năm anh chị sống cầm cự ở thành phố cách nhà 40 km bằng đồng lương ít ỏi từ việc giúp việc theo giờ của chị hai. Chị mắt kém, sức khỏe yếu, cả nhà bàn nhau để vợ chồng chị về sống với bố. Hàng tháng các em góp tiền trợ cấp cho anh chị mỗi người 500 nghìn đồng đến một triệu đồng; ăn uống có anh ba và chị tư ở gần lo ngày ba bữa, trong nhà thiếu thứ gì tôi sẽ gửi tiền về sắm sửa. Thấm thoát gần một năm trôi qua, bố bệnh nặng hơn, có thời gian ông nằm một chỗ cả tháng. Theo bác sĩ nói, ông bệnh già vì uống kháng sinh và giảm đau nhiều (bố bị khớp) nên nội tạng gần như hỏng.
Mùa hè vừa rồi, dịch Covid tràn đến làng quê, vợ chồng anh ba và chị tư đều buôn bán ở chợ, việc không thiếu và nợ cũng không ít, rất vất vả. Anh chị hai lo sợ anh chị tư đi bán sẽ mang bệnh về lây cho mình nên bỏ vào thành phố, trong khi chị tư đã năn nỉ rằng nếu sợ thì chị sẽ không vào nhà, hàng ngày treo đồ ăn ở trước cổng để ba bố con ăn. Vậy mà trong lúc anh chị tư đi bán, vợ chồng chị hai đã bỏ vào thành phố. Chúng tôi rất giận chị nhưng không nói ra vì lúc này chúng tôi cần chị nhất. Ở quê còn một anh rể, chồng của chị kế tôi, là anh bảy. Anh vốn thân thiết với chồng chị hai, khi anh chị đi thì anh bảy đã gọi điện nói thẳng rằng anh chị hèn nhát, bao nhiêu người lăn xả vào vùng dịch giúp người, còn mình sợ hãi mà chạy trốn để lại cha già. Tính anh bảy vốn rất thẳng thắn nên mất lòng nhiều người.
Tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn, việc di chuyển không còn dễ dàng, chị tư đi cách ly gần 40 ngày, trong xóm chỉ còn anh rể thứ tư và các cháu vừa chăm bố vừa bán hàng (hàng hóa thiết yếu). Bố tôi không thể đợi hết phong tỏa để các con về, ông mất khi ở bệnh viện, chỉ mỗi anh rể ở bên. Khi bố mất, chúng tôi rất day dứt, phận làm con mà khi bố bệnh không thể ở bên, chẳng thể chăm sóc. Chị hai khi về được quê, muốn ở quê hương khói cho bố.
Mấy hôm trước tôi về quê, sau khi ăn uống no say, chuyện cũ đào lại, anh bảy không nhắc đến chuyện không vui, vợ chồng chị hai lại muốn rõ ràng. Lời qua tiếng lại, mọi người to tiếng, có nói đến chuyện tiền nong, khi đó chỉ có vợ chồng tôi và vợ chồng chị tư chứng kiến, đã can ngăn và bảo anh bảy về. Anh chị hai khóc lóc, giận dỗi bỏ về thành phố giữa đêm mưa gió mặc chúng tôi năn nỉ, rồi trách sao chúng tôi không bênh và có âm mưu đuổi anh chị đi. Thực sự khi đó, hai người say chỉ có thể can ngăn, còn nhà là nhà chung, chúng tôi làm sao có quyền đuổi ai. Với lại còn các cháu và chị ruột, bênh bên nào cũng khó xử.
Xin nói thêm, chồng chị hai sức dài vai rộng, trước đây từng làm cán bộ đoàn xã nhưng mãi không lên chức nên đi làm bảo vệ ở thành phố hơn 10 năm. Thời gian thất nghiệp anh về nhà bố tôi, có hơn 1.000 m2 vườn mà không nghĩ ra được nuôi con gì và trồng cây gì. Anh rất kỹ tính, mỗi ngày phải lau nhà chục lần. Trong thời gian bỏ về lại thành phố, vợ chồng chị hai không có tiền, cũng nhờ chúng tôi tiếp tế thức ăn và tiền. Sau khi bố tôi mất, chúng tôi phải lo toàn bộ chi phí sinh hoạt của anh chị bao gồm điện nước, xà phòng, cho đến cái tăm... Khi thấy các em làm ăn được thì anh thái độ ra mặt, nghĩ ai cũng khinh mình; còn chị hai hay suy nghĩ và suy diễn. Chúng tôi phải làm sao đây, bbên nào cũng là chị, không thể bỏ ai?
Huyền
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc