Đêm về, ngoài trời dù gió mưa hay trong trẻo, lòng người vẫn như nổi giông bão. Chẳng hiểu vì sao, nét u sầu cứ hằn đậm trên khóe mắt tôi.
Cận Tết, Hà Nội có hôm gần 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Bảy rưỡi sáng, chồng cúi xuống xỏ giày rồi dắt xe ra cổng, tôi định hỏi: "Chủ nhật anh cũng đi à" nhưng chẳng muốn bị càu nhàu rằng đàn bà sáng ngày ra đã nhiều chuyện nên tôi đành im.
Trong cuộc sống, đôi lúc con người thèm những phút thảnh thơi mà chẳng được; thời nào cũng thế, cơm áo gạo tiền vẫn ghì sát đất chứ chẳng riêng gì nhân vật Hộ trong "Đời thừa" của cố nhà văn Nam Cao.
Mỗi người một công việc, ngày chủ nhật đâu hẳn ai nấy đều thảnh thơi; muốn ở nhà một ngày để nghỉ ngơi nhưng lại nghĩ ngày công được ngót 200-300 nghìn đồng nên tiếc, dắt xe đi đến tối. Có người cố một buổi làm cũng đủ tiền mua mâm ngũ quả, cố vài buổi gom góp chút đưa vợ biếu hai bên nội ngoại; giáp Tết năm nay, ai cũng tất bật sớm tối.
Bên dưới ngõ, công trình xây dựng ầm ĩ sớm tối với tiếng máy trộn bê tông, máy cắt sắt thép và tiếng công nhân gọi nhau í ới bằng giọng địa phương. Người già nói chuyện tập văn nghệ chuẩn bị cho hội diễn mừng Đảng mừng Xuân; tiếng chép miệng, tiếng vỗ tay nghe chan chát. Bọn trẻ thành phố từ dạo dịch bệnh chỉ ở nhà học online và chơi điện tử; trong khi ấy, ngoài phố giờ đó đám trẻ nhỏ trông nhếch nhác, gầy gò cắp giỏ nhựa đi bán kẹo cao su, tăm xỉa răng, bông ngoáy tai, tay xách chiếc làn đã bạc phếch vì nắng gió bất kể trời mưa hay nắng. Thiết nghĩ, sinh cùng thời mà đời mỗi con người ta khác nhau đến vậy, đâu phải ai sinh ra cũng may mắn. Trong đêm tĩnh lặng cũng không nghe thấy những tiếng đời oán thán; dường như ở trong hoàn cảnh của họ, được sinh ra khỏe mạnh để nhìn ngắm cuộc đời đã là một hồng phúc lớn.
Nắng, rất nắng rồi, nắng xuyên qua cửa sổ, rọi thẳng vào kệ sách bụi bặm trong góc nhà; mỗi ngày tôi đều tranh thủ dọn dẹp nhà cửa trước 23 tháng Chạp để cúng ông Công ông Táo. Tôi tất bật cọ xoong nồi, rửa bát đĩa, lau chùi năm tầng nhà sạch sẽ; chưa kể cũng bày giấy bút, tẩy xóa ngồi viết những trang dài thực đơn sẵn cho dăm mâm cơm từ đêm Giao thừa đến khi hóa mã.
Mẹ chồng tôi người Thái Bình, dù sống nhiều năm ở Hà Nội nhưng bà vẫn giữ nếp cũ, chuyện nhà cửa dâu con lo liệu, không bận gì phải thuê người giúp việc. Trong nhà từ chuyện lớn bé vẫn một tay tôi lo liệu. Buổi chiều đi qua chợ đã thấy nhiều xe thồ dạo bán quất cảnh, đào, mai, lá dong, lạt tre..., dưới các lán ngồi che mưa nắng của các cô dì trong chợ đã bày hương, nến, cau, trầu, bưởi. Sắp đến ngày ông Công ông Táo, nỗi nhớ về năm tháng qua nhanh; tiếc rằng đời người không ai quay về được quá khứ. Mấy đêm ngủ chập chờn tôi mơ đi dỡ khoai tây vụ đông ngoài thửa đất dưới đồng trũng, mơ về những người thân yêu ruột thịt, nhớ lại ngày bước lên xe hoa, bố quay đi không tiễn còn mẹ nức nở từ chiều ngày ăn hỏi. Lòng tôi trùng xuống, đời người cứ thế trôi đi, nhiều việc vẫn chưa xong.
Giữa tháng Giêng lịch Tây, trời khuya có gió lạnh và hơi sương, ngó qua cửa sổ thấy vầng trăng khuyết mỏng manh ẩn hiện trên nền trời âm u, tôi chép miệng nuốt cố ngụm nước vối, chắc sắp có trận mưa lớn ập xuống, tiếng sấm rền đâu đó gần đây. Trong nhà, tiếng chồng tôi nói vọng ra: "Sắp mưa rồi em ạ. Anh đọc tin tức thấy dự báo đêm nay có mưa". Đêm xuống, lòng tôi như nổi giông bão.
Hà
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc