Tôi là vợ tác giả bài: “Vợ không biết điều”, xin đính chính thêm những điều chồng tôi đã chia sẻ trước.
Không có chuyện mẹ chồng tôi vừa mổ tim, bà mổ ba tháng rưỡi rồi, tôi cũng không cãi tay đôi với mẹ chồng. Nói sơ qua về mẹ chồng tôi để các bạn hiểu hơn câu chuyện: Mẹ chồng trước giờ nổi tiếng ghê gớm, sống không tình cảm, chỉ biết mỗi bản thân, nói chuyện kiểu khó nghe. Trước giờ bà không hề có anh em bạn bè thân thiết, đến con gái ruột cũng không chịu nổi tính bà. Chị dâu lấy anh trai đầu cũng không chịu được bà, nhất định không ở đất bà cho, dù vay mượn cũng vay để xây nhà ở nơi xa cho khỏe người. Vì thế vợ chồng tôi mới về đất bà cho để xây nhà.
Mẹ chồng 70 tuổi rồi nhưng khá khỏe. Bà buôn bán lặt vặt trên chợ. Trước đến giờ mọi chi phí trong nhà, từ tiền ngân hàng mẹ chồng vay cho chồng tôi và anh trai học thời sinh viên, đến tiền mua quán cho bà bán, sửa nhà cho bà cũng do hai anh em chồng chia nhau gánh vác. Ngoài ra hàng tháng ít nhiều anh em cho mẹ tiền để tiêu, nếu không cho là mẹ mặt nặng mày nhẹ liền. Tôi nghĩ, bố mẹ ở quê vất vả nuôi con ăn học là điều khó rồi; giờ mình trưởng thành, có công việc thì gánh vác cho cha mẹ cũng là lẽ bình thường, vì thế trước giờ tôi không ý kiến mấy. Buồn một nỗi, mẹ chồng không có chút tình cảm hay dành sự yêu thương, quan tâm gì với con dâu hay cháu của bà.
Tôi và chị dâu có bầu, bà chẳng quan tâm, hỏi han một câu, đến lúc sinh con cũng thế. Bà ngoại chăm nguyên tháng ròng hoặc chúng tôi tự thuê người giúp việc chăm. Mẹ chồng không chăm dâu hay cháu lấy một ngày, đến chỉ như khách, thơm cháu cái rồi về, thậm chí còn nói với bà ngoại là: "Cháu bà, bà lo chăm, sau này mà hưởng". Ngoài ra bà nói thẳng với các bà hàng xóm rằng tôi lên chợ chỉ ngủ, không buôn bán được gì, thiếu tiền có hai thằng con trai lo, dại chi ở nhà giữ cháu cho mệt. Biết tính bà không thích cháu nên tôi và chị dâu sinh hai đứa con đều tự thân vận động.
Tính mẹ chồng thế nhưng tôi luôn sống có đạo lý, nghĩ xấu tốt gì cũng là mẹ của chồng mình. Tôi không thương được như mẹ mình nhưng vẫn sống rất chừng mực, hiếu thuận, ở gần đi chợ có cá ngon hay cái gì bà thích ăn tôi đều mua, thi thoảng cho bà tiền. Tôi không như chị dâu đầu, cách 60 km nhưng một năm chị về hai ngày tết vì bảo đau đầu.
Mẹ chồng mổ tim được ba tháng rưỡi, sau mổ bà về nhà tôi nuôi. Nhà tôi có người giúp việc nên chăm mẹ chu đáo, ngày nào tôi cũng hỏi mẹ thích ăn gì rồi mua cho bà tẩm bổ, miễn sao mẹ khỏe là được. Mọi sinh hoạt của mẹ trong phòng có người dọn dẹp. Hai tháng đầu sau mổ, mẹ yếu, giờ mẹ khỏe và ăn uống bình thường rồi, làm vườn ở vườn nhà mẹ rồi. Biết con trai chiều nên bà cứ làm nũng con, chồng tôi lại cuống cuồng lo cho mẹ. Tôi 36 tuổi, đang mang bầu bé thứ ba, vì nhiều tuổi cộng với bị đau dạ dày nên mang bầu rất mệt, hầu như không ăn uống được mấy. Chồng không bao giờ hỏi thăm, quan tâm vợ, còn bắt vợ phải lo cho mẹ này kia. Bầu bì tối mệt tôi vẫn phải kèm hai đứa con trai lớp một và lớp hai học bài, chúng rất nghịch. Chồng tôi mặc kệ, chỉ ôm điện thoại hoặc xem đá bóng.
Chồng tôi còn mua bô về cho bà đi vệ sinh trong phòng nên rất bẩn. Như giọt nước tràn ly, tôi rất tức giận, bức xúc nhiều chuyện nữa, vì thế vợ chồng cãi nhau chứ không phải tôi cãi mẹ chồng. Lúc tức giận tôi nói nhà anh có mấy anh em, phân ra mỗi người chăm vài tháng. Hôm sau vợ chồng tôi cãi nhau, tôi nói những bức xúc trước giờ. Tôi bầu thế mà anh vẫn đánh tôi, ném ly vào đầu tôi chảy máu rất nhiều.
Chồng tôi nhìn bề ngoài rất hiền nhưng tính gia trưởng. Việc tôi đồng ý cùng chồng xây nhà trên đất mẹ chồng cho thật sai lầm và phải trả giá rất đắt. Đất mẹ cho ở quê và hẻm nhỏ, thời điểm chúng tôi xây nhà hết khoảng 150 triệu đồng, vợ chồng đưa cho anh trai và mẹ 60 triệu đồng. Giờ hễ cãi nhau chồng lại đuổi tôi ra khỏi nhà, nói đó là đất nhà anh, tôi không có quyền gì trong nhà đó. Nhục nhã, uất ức, nhiều lần tôi muốn bỏ đi nhưng sau thương con, để cho con có ngôi nhà đầy đủ nên lại thôi. Hơn nữa, vì mẹ chồng ở riêng nhưng cách nhà tôi 20 m, thương mẹ nên anh nói mẹ cứ tối qua ăn cơm với nhà tôi.
Mẹ chồng tôi nói chuyện khó nghe, nhiều câu rất ức chế, hay chê ba khiến tôi mệt mỏi. Hơn nữa tôi muốn được tự do, thoải mái, đi làm đủ áp lực rồi, không muốn về nhà nghe những chuyện không muốn nghe. Tôi nghĩ tháng biếu mẹ một ít tiền để mẹ tự túc, tuần vài lần mua đồ ăn ngon rồi mời mẹ sang ăn là được. Trước giờ mẹ nói gì chồng tôi cũng nghe, cũng cho là mẹ nói đúng, bênh vực mẹ, không biết nhận định đúng sai, không bao giờ hiểu cho những khó chịu của tôi. Anh bắt tôi phải hiếu thuận, chửi tôi là đồ bất hiếu, mất dạy, tính toán miếng ăn với mẹ. Tôi như thế là sai sao mọi người?
Về phía nhà ngoại, khi bố mẹ tôi sửa nhà, anh cũng chủ động nói cho ông bà tiền. Nhà tôi cách nhà ngoại 45 km, có ôtô nhưng hiếm lắm anh mới chủ động nói cả nhà về chơi với ông bà ngoại, cùng lắm thì một tháng anh về một lần, không lần nào về nổi hai ngày. Về ngoại chưa được một ngày là anh hối về nhà, còn nói mẹ ở một mình, tội lắm. Ông bà ngoại thương con cháu, cũng có kinh tế nhưng lo làm thêm ruộng, nuôi gà để gửi gạo, gà, trứng cho con cháu, cái gì ngon cũng dành cho con cháu. Tôi sinh đẻ là bà vào ở, chăm cả tháng. Dường như chẳng mấy khi anh điện thoại hỏi thăm hay chủ động về ngoại, trái lại nếu ít ngày tôi không quan tâm mẹ chồng là anh lại trách móc này nọ.
Trước đó tôi và chồng lương thưởng ngang ngửa nhau. Tôi sinh hai đứa con liên tiếp trong ba năm, công việc thay đổi, không có thu nhập ngoài nhiều. Trong thời điểm đó chồng ăn nên làm ra, kiếm được số tiền kha khá, vợ chồng xây được nhà, mua xe nhỏ đi lại. Khoảng ba năm gần đây, lương thưởng của tôi thường cao hơn anh nhưng lúc nào cãi vã anh lại bảo tài sản trong nhà là của anh hết, tôi không có quyền gì.
Thu nhập anh đưa về giờ mỗi tháng cao nhất 10 triệu đồng, có tháng tám triệu đồng hoặc thậm chí chỉ sáu triệu đồng. Trong khi nhà tôi có hai con đi học, một bác giúp việc, một chiếc xe ôtô, một tháng trung bình cần chi 20-25 triệu đồng. Anh cứ mặc kệ, thừa thiếu vợ tự lo. Chồng tôi tính hay tiêu sang, không phải như người ta là khi kiếm được nhiều tiền thì mình tiêu nhiều, kiếm được ít thì tiêu vừa phải. Lương đầu tháng nhận nhưng có khi cuối tháng anh mới chuyển cho vợ, không cho rằng chuyển lương cho tôi là trách nhiệm, để lo cho con cái, lo trang trải các chi phí trong nhà.
Hiện tại thu nhập của anh thấp so với thu nhập khu vực, với kinh nghiệm 10 năm đi làm, với các mối quan hệ và kiến thức của anh. Tôi động viên chồng nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi để làm thêm nhưng anh nói tôi tham lam này nọ, bỏ ngoài tai lời tôi nói. Đi làm về ăn cơm xong, anh sẽ ôm điện thoại, máy tính chơi hoặc coi bóng đá hết trận này sang trận khác, sống kiểu không cầu tiến, không kế hoạch, ưa hưởng thụ, việc học con cái cũng mặc kệ tôi lo. Trong nhà chuyện to chuyện nhỏ cũng tôi lo lắng, nhắc anh bao nhiêu lần anh mới làm, không hề để tâm đến cái gì.
Tôi phải dạy hai con, ngoài giờ làm còn bán hàng online, phải nhắn tin cho khách hàng. Khi bức xúc, ức chế, tôi nói thì anh lại bảo vợ ghê gớm, tham lam, không làm tròn nhiệm vụ của người vợ ngoan hiền nên anh mới thế. Tôi cũng kiếm ra tiền, tổng thu nhập mỗi tháng 15-20 triệu đồng, không spa, không ăn chơi xa xỉ, làm được đồng nào gom góp về lo cho gia đình. Tôi có bệnh hay đau đầu, kêu anh đưa mẹ con tôi đi khám ở Hà Nội, lần nào anh cũng kêu tiền không có đi đâu mà đi. Tôi xin anh đi làm đẹp hết năm triệu đồng, anh không cho. Mẹ anh mệt là anh đưa mẹ đi khám ở Hà Nội gấp, báo số tiền về và kêu tôi tự lo liệu.
Anh thừa biết mấy năm nay tôi làm đủ ăn, thua lỗ chứng khoán, có ít tiền dư vừa đầu tư làm quán, hiện tại vay mượn khắp nơi nhưng cứ mặc kệ tôi xoay xở. Chồng tôi thế nhưng lúc nào cũng bắt vợ phải dịu dàng, đặc biệt là phải yêu thương, quan tâm, lo lắng cho mẹ anh giống như anh. Nếu tôi dịu dàng, nhẹ nhàng thì anh mới chịu đưa lương về để trang trải trong gia đình, còn không kệ tôi tự lo, đặc biệt hễ nổi nóng là anh động chân động tay.
Tôi được mọi người đánh giá là phụ nữ hiện đại, cũng biết chăm chút cho bản thân, biết quán xuyến và sắp xếp mọi việc trong nhà. Với tôi, gia đình luôn là trên hết, ưu tiên hàng đầu, thế mà cuộc sống của tôi lại giàn giụa trong nước mắt.
Kim
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc