Tôi là nam, 8x đời cuối; sau khi tốt nghiệp đại học, làm công ăn lương như mọi người rồi sau đó mới dấn thân vào đầu tư.
Công việc tôi thăng tiến dần, lên làm quản lý cấp trung, lương hiện nay tầm 30 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ mất khi tôi học đại học năm thứ ba, giờ còn hai ba con. Tôi ra trường năm 2011, đi làm đến năm 2017, lúc đó làm ra bao nhiêu tiêu xài bấy nhiêu, chẳng có chút ý niệm tiết kiệm hay quản lý tài chính cá nhân gì.
Tôi cũng hùn hạp với bạn bè làm ăn này nọ, chẳng kiếm thêm được bao nhiêu. Lúc có bạn gái, tôi không chơi bời gì. Khi chia tay rồi, tiền làm ra bao nhiêu tôi đem ăn nhậu, gái gú, tay vịn, karaoke hết. Đến năm 2018, tôi được thưởng tết dư ra chút đỉnh. Nhà tôi lúc đó xuống cấp quá, mưa là ngập, tôi nhờ bà con rồi đi vay ngân hàng 550 triệu đồng để xây lại, bắt đầu con đường nợ nần từ đó trả mãi không hết.
Trả nợ được một năm, đến năm 2019 tôi nghĩ mình đi làm vậy hoài chỉ nhờ vào lương không thì đủ trả nợ với ăn tiêu, làm sao làm giàu và lo cho tương lai được, sau này còn vợ con nữa. Tôi lần mò học cách kiếm tiền từ chứng khoán vì không thích bán hàng online này nọ. Chuyên môn tôi cũng không phù hợp để làm thêm gì bên ngoài. Máu cờ bạc trong người tôi cũng không ít, vừa bập vào chứng khoán là mê ngay. Lúc đầu tôi đánh chứng khoán trong nước, tìm hiểu cổ phiếu doanh nghiệp sơ sơ này nọ, rồi học trên mấy kênh Youtube, mua sách chứng khoán đọc thêm. Tôi luôn tâm niệm phải tự làm giàu bằng chính khả năng của mình nên tự học, tự tìm hiểu, không dựa vào ai hết, mỗi người tôi học được một chút.
Sau vài tháng, dĩ nhiên kênh đầu tư ngoại hối tìm đến tôi. Tôi bị một cô gái dụ chơi ngoại hối cho biết, thấy cũng hay hay nên nạp tiền chơi thử. Tôi bị nghiện, lúc đầu thấy tiền nó nhảy số đã quá, toàn tiền đô. Ỷ mình cũng có chút kiến thức về phân tích kỹ thuật này nọ, tôi đốt kha khá vào ngoại hối, khoảng 5.000 USD, có vay mượn này nọ. Từ nợ 550 triệu đồng, tôi nợ lên 800 triệu đồng, vừa đi làm vừa cày trả nợ, lại học đủ thứ về ngoại hối, tiền ảo này nọ. Cháy tài khoản thua lỗ không biết bao nhiêu lần, tôi nản quá quay về chơi chứng khoán Việt, cầm theo một mớ kiến thức hỗn loạn.
Đến năm 2022 sau ba năm lăn lộn với thị trường đầu tư, tôi cảm thấy dần ổn hơn, khá tự tin khi đầu tư chứng khoán Việt cho đến khi thị trường kém, cũng te tua thêm một khúc nữa. Đến khi VNI còn khoảng 900 điểm, tôi tất tay, cầm cố nhà đang ở để vay 1,2 tỷ đồng, đầu tư tiếp vào chứng khoán. Hiện nay tình trạng tài chính của tôi như sau, nợ hai tỷ đồng, tài khoản chứng khoán có 1,5 tỷ đồng, mức lương đang có 30 triệu đồng mỗi tháng và kha khá kiến thức về đầu tư dù hơi tạp nham, toàn tự học. Hàng tháng tôi phải trả lãi khoảng 40 triệu đồng, tiêu xài 20 triệu đồng, tính ra vẫn khá ổn. Gần đây lợi nhuận của tôi cũng tương đối, vẫn chơi ngoại hối nhưng nạp rất ít, mỗi lần chỉ nạp 500 nghìn đồng, tương đương 20 USD. Tôi cháy hoài nhưng đôi khi cũng rút tiền ra được chút đỉnh.
Kể sơ qua vậy để mọi người thấy, thị trường nào tôi cũng thử qua rồi. Các bạn à, câu này rất đúng: "Đầu tư mà không có kiến thức chỉ là đánh bạc, còn đánh bạc mà có kiến thức vẫn là đầu tư". Các bạn muốn làm giàu từ ngoại hối hay bất kỳ kênh đầu tư nào sẽ phải học hỏi nhiều, thị trường vô cùng khắc nghiệt, đồng tiền không phải dễ kiếm, không có cách nào ăn nhanh được. Phải học từng bước một, từ vốn nhỏ cho đến vốn lớn, kiểm soát tâm lý, kiểm soát vốn mới có hy vọng kiếm được tiền.
Ngay cả khi giao dịch chứng khoán Việt, margin (giao dịch ký quỹ) chỉ 1:2 mà tôi còn chưa chắc ăn được nữa, các bạn không phải thiên tài mà đánh ăn được ngoại hối, coin khi biến động của các thị trường trên hầu như không có biên độ, tỷ lệ đòn bẩy còn lên đến 1:100, 1:200, thậm chí 1:500. Tỷ lệ người giành chiến thắng trên thị trường cực kỳ thấp, bạn phải có đam mê, tìm tòi học hỏi, backtest (đánh giá chiến lược giao dịch) đủ kiểu mới có thể dần kiếm được lợi nhuận ổn định. Còn nếu không đủ khả năng, tôi khuyên mọi người tốt nhất nên dừng lại trước khi quá muộn. Con đường đầu tư còn rất dài và tôi vẫn phải học hỏi từng ngày từng ngày, rút kinh nghiệm dần sau mỗi thất bại, quản lý vốn để dù gặp thua lỗ tôi vẫn còn vốn để làm lại.
Hiện nay chỉ có khoảng 5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 30-50%. Thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư sẽ ngày càng phát triển và đi lên. Khi công việc tay chân càng ngày càng bị máy móc chiếm dụng thì các kênh đầu tư và thị trường tài chính sẽ phát triển, không sớm thì muộn, ai rồi cũng phải đầu tư thôi, bạn không đầu tư thì con cháu bạn cũng đầu tư. Bạn nên trang bị kiến thức sớm về đầu tư, thị trường chứng khoán, bất động sản, quản lý tài chính cá nhân cho bản thân và con cháu sau này. Còn nếu bạn lỡ thua lỗ, nợ nần, hãy cố gắng đi chậm lại, trả dần bớt nợ, trang bị thêm kiến thức, coi như vấp ngã, dần dần từng bước một bạn sẽ đứng lên lại được thôi. Tôi đã mất 5.000 USD vào ngoại hối, nhưng tin là chỉ cần cải thiện dần dần sẽ lấy lại được số tiền đó, có thể một, hai năm gì đó.
Bớt đầu cơ lại, bình tĩnh đi chậm mà chắc, từng bước một, có thể chuyển sang kênh đầu tư khác đòn bẩy ít hơn, tôi hy vọng chút kinh nghiệm chia sẻ của mình sẽ giúp được gì đó cho các bạn.
Hưng Nguyễn
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc