Vợ chồng tôi sống cùng cha chồng và em gái út của chồng đang học cấp hai tại nhà chồng, mẹ chồng thỉnh thoảng về vào cuối tuần.
Tôi 32 tuổi, sinh ra trong một gia đình kinh tế tương đối ổn, ở ngoại thành, gia đình hòa thuận và được mọi người tôn trọng. Ba mẹ tôi có hai con gái, tôi là chị. Dù không khá giả lắm nhưng ba mẹ vẫn cố gắng chăm sóc cho chị em tôi, lo lắng cho chúng tôi học hành, cả hai đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chồng tôi ở cùng tỉnh nhưng khác huyện, môi trường sống hơi hẻo lánh và heo hút. Cha mẹ chồng 50 tuổi, đã ly dị trước khi chúng tôi đám cưới khoảng hai năm. Gia đình chồng có bốn người con, chồng tôi là con trai trưởng, hai cô em gái kế đã lấy chồng. Mẹ chồng tôi làm công nhân ở khu công nghiệp; cha chồng trước đây làm thầu xây dựng nhưng giờ do sức khỏe không tốt như hồi trẻ nên nghỉ ở nhà làm vườn.
Chúng tôi cưới nhau đến nay được 11 tháng, thứ đeo đẳng mấy tháng nay không gì ngoài nợ. Chúng tôi chưa có con, có lẽ chậm con vì không kế hoạch gì cả. Chồng tôi thông minh, quyết đoán, biết nhường nhịn và hỗ trợ tôi việc nhà, tôi không có gì phàn nàn. Thu nhập của chúng tôi tầm 15 triệu đồng một tháng. Tôi được biết từ khi cha mẹ chồng ly dị, mọi chi phí điện, nước, wifi, ăn uống, nhu yếu phẩm... đều do chồng tôi lo hết. Lương hàng tháng chỉ vừa đủ sống, đôi khi thiếu thì vợ chồng mượn mẹ chồng vài trăm nghìn tạm thời, có khi ăn mì gói cả tuần lễ chờ lương. Thậm chí tiền vay hồi sinh viên cũng do chồng tôi trả, cha nói rằng tiền đó vay cho ai đi học thì người đó trả.
Tiền của cha chồng kiếm được, ông chỉ giữ xài cho bản thân và nhậu nhẹt bạn bè. Khi làm đám cưới, chồng tôi cũng không còn tiền tiết kiệm nhiều, mọi thứ do mẹ chồng ứng ra lo trước từ vàng cưới đến đặt mâm, tiền lễ..., sau đám thì lấy tiền phong bì bù lại. Cha chồng cũng vay mượn để cho tôi được một cái lắc hai chỉ vàng, để ông không mất mặt. Lúc cưới nhau, cô em út đang sống với mẹ, sau đám cưới khoảng hai tháng thì về sống với cha, cũng có nghĩa là chung với vợ chồng tôi. Từ lúc tôi về, cha chồng chỉ mua cho chúng tôi một bao gạo, còn lại tất cả là vợ chồng tôi chi hết. Tôi đã phải lấy tiền tiết kiệm khi còn độc thân để bù vào. Dù biết như vậy nhưng khi cô em út về ở, chẳng ai nói với chúng tôi một lời nào về chi phí ăn ở, thậm chí em còn xin tiền tiêu vặt từ vợ chồng tôi.
Tôi không đồng ý nên có nói với chồng, chồng nói với mẹ thì mẹ cho tiền tiêu vặt, ngoài ra không phụ chúng tôi gì cả. Cha chồng và hai cô chị cũng vậy, đều không nói gì tới, xem như đó là lẽ đương nhiên. Sau vài tháng, tôi nói với chồng, nếu em út biết điều, biết lo học hành và phụ vài việc lặt vặt trong nhà thì tôi có thể phụ nuôi ăn học, đằng này chỉ biết ăn và chơi thôi thì tôi không bàn tới nữa. Vợ chồng tôi đã khuyên răn em hết lời, từ dụ dỗ nhẹ nhàng tới hăm dọa, em vẫn chứng nào tật nấy, chỉ biết hưởng thụ và ỷ lại thì thôi, tôi không phải cha mẹ để mà có trách nhiệm với em út. Chồng tôi cũng đồng ý và đã chốt với em, nếu không lo học hành đàng hoàng thì chúng tôi không lo nữa, cũng báo với mẹ chồng như vậy.
Về phần cha chồng, sau cưới một tháng, cái tivi cha mua trả góp dưới tên chồng tôi, còn góp năm kỳ nữa thì bị hư, cha chẳng nói gì đến tiền góp đó nữa, mặc kệ chồng tôi đóng. Sau đó một tháng, cha mượn tiền và vàng của vợ chồng tôi để làm ăn rồi không thể trả lại. Tôi và chồng thống nhất coi như phần đó là trả lại cho cha cái lắc tay cha cho lúc cưới. Thêm một tháng sau đó, cha tuyên bố cha già rồi, không làm nổi nữa. Giờ cha về hưu sẽ sang tên nhà đất qua cho chồng tôi để trả nợ cho cha. Cha làm vườn, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, cơm nước vợ chồng tôi lo. Chồng tôi hỏi nợ bao nhiêu, ông báo con số khoảng 300 triệu đồng.
Khi đó tôi vẫn còn rất lạc quan, đã suy nghĩ và bàn bạc với chồng, xem như vợ chồng mình mua miếng đất và cái nhà này, dù gì cũng là nơi chồng tôi sống từ nhỏ, có tình cảm với nơi này, còn mồ mả ông bà nữa. Vậy nên chúng tôi bán hết số vàng cưới mẹ chồng và mẹ tôi cho để làm vốn, cộng với tiền tiết kiệm của tôi, vay thêm của ngân hàng để trả nợ cho cha. Chồng tôi đã chốt với cha về số nợ và có nói rõ, do đây là nợ cha xây nhà nên anh lãnh, còn sau này phát sinh thêm thì chúng tôi không giải quyết nữa. Vợ chồng tôi làm viên chức nhà nước, lương không bao nhiêu, còn để dành lo cho con cái và phòng chuyện bất trắc nữa. Cha chồng đồng ý và cam kết đã hết nợ, giờ không màng gì nữa, sống an phận làm vườn, có bao nhiêu xài bấy nhiêu.
Tưởng đâu mọi chuyện dần ổn, chúng tôi chỉ cần lo trả nợ ngân hàng hàng tháng khoảng tám triệu đồng và chi tiêu trong nhà, tiết kiệm gói ghém cũng đủ. Vậy mà không, cha chồng tôi vẫn quen thói tiêu xài như lúc đương thời. Vợ chồng tôi thấy cái tivi hư, sợ cha buồn nên trích một khoảng tiền vay mua cái 55 inch để cha coi. Mua về mà cha chẳng một lời khen, chỉ hỏi sao không mua cái lớn hợn. Sinh hoạt trong nhà, cha chẳng phụ tiết kiệm gì, đồ ăn thức uống ăn nửa bỏ nửa. Sáng hai vợ chồng trước khi đi làm đã nấu đồ ăn sẵn, trưa cha chỉ việc hâm lại mà ăn, vậy mà ông chỉ ăn chứ không hâm, có bữa chiều chúng tôi về đã thiu, phải làm đồ ăn mới. Đồ đạc vật dụng nay cái này hư, mai cái kia hư, vài ngày cha lại kêu chồng tôi đưa tiền xài, tôi cũng đồng ý, coi như báo hiếu và trả tiền mua đất mua nhà.
Lại thêm ba tháng sau đó, cha báo còn một khoản nợ 10 triệu đồng hôm trước quên nói. Chồng tôi đã bức xúc và định không trả vì tiền thu nhập hàng tháng của chúng tôi đã tính toán hết rồi, hiện tại tháng nào cũng vừa đủ, không hề dư được đồng nào. Tôi khuyên chồng, thôi coi như tiền mua nhà, nhưng bây giờ không đủ, anh nói với cha rằng chúng tôi gom được bao nhiêu thì phụ từ từ. Vậy là giải quyết thêm xong một lần nữa. Đến đám giỗ của ông nội, đám giỗ ông bà cố, ba cái đám liên tiếp trong ba tháng, cha chồng tôi dọn bàn thờ được hai lần, ngoài ra không phụ bất cứ thứ gì từ tiền bạc đến sức lực, trừ việc đứng cúng sau khi mọi người dọn lên xong.
Mẹ chồng tôi sau khi ly dị cũng ở trọ gần đó, khoảng 20-30 phút đi xe. Bình thường thỉnh thoảng bà ghé qua cho một ít đồ ăn, đợt chồng tôi than vãn về chi phí hàng tháng quá thì bà phụ một ít tiền để làm đám giỗ, hoặc có bệnh hay cần gì đó thì gọi kêu chồng tôi ghé. Nghe đâu hiện tại bà mắc nợ nhưng không biết chính xác là bao nhiêu. Đến nay cha chồng tôi lại báo còn nợ một khoản nữa và định vay ngân hàng để trả. Cha hỏi ý kiến chồng tôi, anh đã trả lời là không thể gánh nổi nữa, cha muốn làm gì thì làm.
Tôi nản quá, từ trước tới nay chưa bao giờ hình dung bản thân sẽ lâm vào hoàn cảnh như vậy. Tôi vẫn cư xử với cha mẹ chồng đúng phép tắc nhưng thật tâm không thể kính trọng được. Nhìn lại ba mẹ tôi, dù không kiếm được chục triệu, trăm triệu đồng như cha mẹ chồng nhưng luôn dành những thứ tốt nhất cho chị em tôi. Tuần nào tôi về mẹ tôi cũng gói ghém cho tôi cái này cái kia. Mấy tháng nay tôi không phụ được gì cho ba mẹ, ba mẹ tôi cũng hơn 60 tuổi rồi, còn phải giao nước bình, bán tạp hóa hàng ngày để có đồng ra đồng vào. Cha chồng nằm suốt ngày, xem điện thoại, khi nào thích thì ra vườn làm cỏ, không là thôi. Cha mẹ chồng tôi, khi làm ra tiền tiêu xài thỏa thích, đến lúc hết tiền thì kêu con cái lo lắng, gánh nợ. Nếu tôi cứ cằn nhằn hoài, thật tội nghiệp chồng tôi, cũng sợ vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Còn nếu tôi không nói gì thì chắc điên mất vì bản thân là đứa hay suy nghĩ.
Tôi cũng biết mình phải lo lắng cho cha mẹ nhưng kinh tế thật sự không kham nổi. Tiền tôi làm hàng tháng chỉ xài khoảng 10% cho bản thân, là những khoản bắt buộc phải chi chứ cũng không phải mua sắm gì, còn lại là trả nợ và chi tiêu trong nhà chồng. Một gia đình mà hai người đi làm kiếm tiền chi tiêu cho bốn người, về nhà phục vụ cho hai người còn lại chỉ biết hưởng thụ, tôi thật sự không thể hiểu nổi đó có thật sự là gia đình không, hay họ đang coi chúng tôi là máy in tiền. Xin cảm ơn mọi người đã đọc tâm sự của tôi.
Ngọc Lan
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc