Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng khả năng bay của loài rắn Chrysopelea paradisi, phổ biến ở khu vực Đông Nam và Nam Á, có thể phụ thuộc vào cách mà chúng di chuyển.

rắn 1Rắn bay Chrysopelea paradisi. Ảnh: Live Science

Một con rắn treo lủng lẳng ở độ cao khoảng 15 mét so với mặt đất, đuôi quấn quanh một cành cây. Đột nhiên con vật thả đuôi và quăng phần thân về phía khu rừng. Đối với các loài bò sát khác, việc này chẳng khác nào tìm đến chỗ chết hoặc nhẹ nhất con vật cũng bị gẫy xương. Nhưng con rắn kia lại thuộc loài Chrysopelea paradisi, một trong 5 loài rắn có khả năng đặc biệt ở khu vực Đông Nam và Nam Á. Khi chúng bay, cử động rất khác với động tác nhảy chúc đầu xuống của vận động viên nhảy cầu. Cú nhảy của loài Chrysopelea paradisi rất nhẹ nhàng nhưng chúng có thể lượn từ cây này sang cây khác khi mà khoảng cách có thể là 24 mét hoặc hơn.

Điều khiến mọi người băn khoăn là việc loài rắn này không hề có cánh mà vẫn có thể bay nhảy ở khoảng cách như vậy. Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng khả năng bay của loài rắn này có thể phụ thuộc vào cách mà chúng di chuyển.

"Đối với mọi loại động vật biết bay, bạn cần phải biết rõ những kiến thức cơ bản này: Chúng bay nhanh như thế nào, hình dạng của loài động vật cũng như cánh của chúng. Với nghiên cứu mới này, chúng ta có thể biết chính xác vị trí của phần thân rắn khi chúng bay", LiveScience dẫn lời Jake Socha, một nhà sinh vật học tại trường đại học Virginia Tech (Mỹ) kiêm tác giả nghiên cứu.

Socha đã nghiên cứu khi động học của loài rắn bay Chrysopelea paradisi trong nhiều năm. Những nghiên cứu trước đây của ông chỉ ra rằng phần thân rắn sẽ xẹp xuống tối đa và nhấp nhô như thể đang trườn từ bên này sang bên kia khi chúng bay. Cũng theo nhà nghiên cứu, rắn bay lướt khá nhanh trên không với vận tốc khoảng 8-10 m/s.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vị trí của cơ thể loài rắn khi bay, Socha cùng các đồng nghiệp đã quay video khi thả những con rắn từ tòa tháp cao khoảng 15 mét. Các nhà nghiên cứu chấm những nốt màu trắng lên mình rắn để dễ xác định vị trí phần thân rắn khi chúng bay.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu mở băng để phân tích các lực tác động lên mình rắn. Họ nhận thấy rắn bay không nằm ngang khi lướt trong không trung. Thực tế, chúng nghiêng khoảng 25 độ với luồng khí được tạo ra khi bay. Phần thân trước của rắn bay được giữ thăng bằng, ngoại trừ việc uốn lượn từ bên này sang bên kia. Trong khi đó, phần đuôi di chuyển lên xuống nhịp nhàng.

Ngoài ra, Socha cùng đồng nghiệp còn tìm hiểu vị trí của thân rắn ảnh hưởng thế nào tới việc chúng bay. "Toàn bộ phần thân của con rắn như một chiếc cánh dài. Nó liên tục thay đổi và vặn vẹo từ bên này sang bên kia", Socha nói.

Cũng theo tác giả của nghiên cứu, kết quả mà ông và các đồng nghiệp tìm được có thể áp dụng để chế tạo các phương tiện bay nhanh gọn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top