Nhắc đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đời đều nghĩ ngay tới bản hùng ca bất tử hào hùng được ông viết lên với 3 lần chiến thắng quân Mông – Nguyên trong lịch sử. Ít ai ngờ được con người này cũng lại có một thời trai trẻ sôi nổi trong tình yêu như thế. 


Mối tình thanh mai trúc mã

Năm 1237, sau 12 năm vua Trần Thái Tông lên ngôi mà không có con nối dõi, lo sợ nhà Trần bị tuyệt hậu, Trần Thủ Độ đã thực hiện một loạt sự sắp đặt gây ra sự oán hận cho nhiều người, bao gồm cả Trần Liễu – cha của Trần Quốc Tuấn. Trần Thủ Độ gây sức ép để vua phế hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, cưới chị dâu là công chúa Thuận Thiên (khi ấy đang làm vợ và có thai 3 tháng với Trần Liễu). Trần Liễu tức giận, mang binh rửa hận nhưng thân cô sức yếu nên việc bất thành, cuối cùng phải buông giáp quy hàng, bị giáng làm An Sinh Vương, cho về an trú ở đất Yên Sinh. Khi ấy, Trần Quốc Tuấn mới 7 tuổi.

Thương cháu nhỏ đã phải rời kinh đô tới nơi xa, công chúa Thụy Bà, chị gái vua Trần Thái Tông, đã cầu xin vua để nhận nuôi Quốc Tuấn để khuây khỏa nỗi buồn khi phu quân mình rời xa trần thế. Quốc Tuấn được Thụy Bà công chúa nuôi trong vòng 8 năm, được học đủ văn võ, lớn lên với các con em hoàng tộc cùng trang lứa. Chính trong thời gian này, Trần Quốc Tuấn gặp gỡ, cùng trải qua thời niên thiếu của mình với Thiên Thành công chúa – tình yêu lớn của đời ông.
Chân dung Trần Quốc Tuấn qua tranh vẽ.

Nàng là con gái đầu của vua Trần Thái Tông, sở hữu vẻ đẹp và khí độ của quý tộc thời Trần do được dạy bảo trong cung cấm từ thuở nhỏ. Trong suốt những năm tháng học tập và sinh sống nơi cung cấm, tình cảm của công chúa Thiên Thành với Trần Quốc Tuấn cứ lớn dần lên, quấn quýt khó rời xa.

Những tưởng đây là mối lương duyên trời ban, bởi nhà Trần cho phép con cháu nội tộc kết hôn nhằm duy trì quyền lực dòng họ, tránh cảnh ngoại thích tiếm quyền như triều Lý. Nhưng không, nàng là công chúa của vua Trần Thái Tông, nâng trong tay sợ rớt, ngậm trong miệng sợ tan, thân thế cao quý vô cùng! Còn khi ấy, Trần Quốc Tuấn chỉ là cậu ấm con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, xét về cả quyền và thế đều là với cao. Nên tới khi công chúa Thiên Thành tới tuổi gả chồng, vua Trần Thái Tông đã xuống chỉ gả nàng cho Trung Thành Vương, con trai của Nhân Đạo Vương, phá tan giấc mộng đôi lứa của hai người.

Cuộc tình như sắp tan thành khói mây, công chúa Thiên Thành thuần đạo vâng lời vua cha về phủ của Nhân Đạo Vương, cha của Trung Thành Vương để chờ ngày làm lễ ăn hỏi. Còn Trần Quốc Tuấn thì lòng lặng câm nhưng tim can đau nhói khi nghĩ tới cảnh ngày mai người con gái mình yêu thương sẽ trở thành vợ người khác.

Mông lung với những nghĩ suy mà mắt không thể nhắm chặt, trong lòng ông không chịu khuất phục nên đã có một quyết định đầy táo bạo. Trong khi cả kinh thành đang tưng bừng với những trò chơi lễ hội 7 ngày đêm do vua xuống chỉ ăn mừng, trong đêm tối mịt mùng, nhân lúc mọi người còn đang say mê vui thú, Trần Quốc Tuấn lẻn vào phủ Nhân Đạo Vương. Biết không thể theo vào bằng cửa chính, chàng đã tìm cách trèo tường, vượt qua hàng toán lính tuần tra, dò trong đêm đen và tìm được chính xác phòng công chúa.

Hai con tim đau khổ tưởng chừng như sắp mất nhau mà được gặp lại thì như cá gặp nước, hoa gặp ánh nắng mặt trời. Công chúa Thiên Thành sống lại lần nữa khi thấy người tình trong mộng xuất hiện trước mặt mình. Khi ấy, cả phủ Nhân Đạo Vương vẫn đang say trong lễ hội, không ai biết, trong phòng công chúa, đôi trẻ đã gặp được nhau.

Cuối cùng thì 2 trái tim sau bao đêm thổn thức đã tìm lại được thấy nhau. (Ảnh minh hoạ: Kienthuc)

Nhưng sự liều lĩnh này của Trần Quốc Tuấn sẽ trở thành thảm án nếu sự vụ bị bại lộ. Và dù chuyện không bại lộ, thì hôm sau công chúa Thiên Thành cũng phải kết hôn với người khác. Để tránh khỏi tai ương đó, Trần Quốc Tuấn đã đi tiếp một bước cờ cao minh, dồn chính nhà vua vào thế sự đã rồi.

Trần Quốc Tuấn cho người báo ngay cho Thụy Bà công chúa, mẹ nuôi của ông và là chị gái của vua Trần Thái Tông. Lúc này chỉ có bà mới cứu giúp được Quốc Tuấn. Lời nói của Thụy Bà công chúa như sét đánh ngang tai nhà vua, Thái Tông đã nhận đủ lễ vật của Nhân Đạo Vương, sao có thể để Trần Quốc Tuấn cả gan làm loạn như vậy?

Nhưng Thụy Bà công chúa tiếp tục kiên trì van xin. Lại nghĩ đó là huyết mạch của anh trai Trần Liễu, Thái Tông đã đã sai người vây phủ Nhân Đạo Vương. Nội thị theo lệnh nhà vua, xông thẳng tới hoa viên vắng lặng, vào phòng công chúa Thiên Thành để áp giải, thực chất là hộ tống, Trần Quốc Tuấn ra ngoài một cách an toàn.

Đến lúc đó, cả phủ Nhân Đạo Vương mới ngỡ ngàng nhận ra Trần Quốc Tuấn đã vào phủ “tư thông” với công chúa Thiên Thành. Trước “sự đã rồi” hôm sau, Thụy Bà công chúa đã nhanh tay hỏi cưới công chúa Thiên Thành cho cháu trai mình với đủ sinh lễ. Trần Thái Tông đành xuống chiếu gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn và cắt 2.000 khoảnh ruộng tốt ở huyện Ứng Thiên cho Nhân Đạo Vương để an ủi.

Cuối cùng, Trần Quốc Tuấn, bằng cả sự khôn ngoan và liều lĩnh của mình, đã có được tự do hôn nhân.


Thù cha không trả – xứng đáng là bậc vĩ nhân

Như trên đã kể về chuyên về cha của Trần Quốc Tuấn phẫn uất phải chấp nhận mất vợ mất con do Trần Thủ Độ ép phải “nhường vợ” cho em trai. Nỗi hậm hực không nguôi tới tân sau này khi ốm bệnh sắp gần đất xa trời, Trần Liễu gọi Trần Quốc Tuấn lại gần căn dặn: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì người cha này dưới suối vàng cũng không thể nhắm mắt“.

Lời trăn trối của cha trước lúc lâm chung, dĩ nhiên ông phải “Dạ”, nhưng trong lòng Trần Quốc Tuấn không cho là chuyện nên làm. Ông vẫn một lòng kiên trung sắt son với nước nhà. Tương truyền, Trần Quốc Tuấn từng mang lời trăn trối đó của cha mình để thử lòng các con trai ông cùng các tướng như Yết Kiêu, Dã Tượng. Khi đó, không ai tán đồng việc “trả thù” ngoại trừ 1 người con của ông tên Trần Quốc Tảng.

Đến người ngoài còn biết trung nghĩa trái phải, vậy mà con ruột lại có ý đố bất chính, Trần Quốc Tuấn tức giận vì ý định muốn tranh ngôi đoạt vị của Quốc Tảng, ông mắng là đồ vong ân bội nghĩa, rồi từ mặt đuổi đi, mãi mãi không cho trở về gia tộc!

Có lần khác, đứng trước trận chiến lớn với quân Nguyên Mông, chính Trần Quốc Tuấn đã chủ động xóa tan nghi ngại với Trần Quang Khải, con trai lớn của Trần Cảnh, em trai của Trần Liễu. Hai người vốn là đầu mối của 2 chi, dĩ nhiên thừa hưởng “mối thù” từ đời cha. Lần đó, Hưng Đạo Vương chủ động mời thái sư Trần Quang Khải đến trò chuyện, chơi cờ rồi sai người đun nước thơm. Sau đó, ông tự tay kỳ lưng, tắm cho thái sư. Đường đường là Quốc Công Tiết Chế của nhà Trần, vị trí không hề kém cạnh nhưng vẫn chủ động làm những việc đó, đủ thấy Trần Quốc Tuấn vị tha thế nào, gạt thù nhà để chung tay lo nghiệp nước.


Trần Quốc Tuấn trên tranh vẽ. 

Lịch sử xưa nay khó tìm đâu một con người như Trần Quốc Tuấn. Ông xứng đáng với cái tên Hưng Đạo Đại Vương mà người đời ca tụng. Là một vị tướng quân lẫy lừng của một triều đại, ông dùng khí phách của một anh hùng để làm nên chiến thắng quân xâm lược, đem lại bình yên cho dân tộc. Ở ông hai chữ tài đức ngời sáng. “Thời bình phải khoan sức dân làm kế sâu gốc bền rễ , đó là thượng sách giữ nước”, lời trăn trối ấy của ông với vua Anh Tông trước khi tạ thế đã để lại bao giá trị cho hậu thế, là bài học ngàn đời không hề lạc hậu.
Nói về chuyên tình thời trai trẻ, có người trách ông vì vụ “cướp dâu”. Nhưng xét kỹ, lòng dũng cảm bảo vệ tình yêu của ông chứng tỏ ông chính là một bậc quân tử, một trang nam nhi hảo hán. Lịch sử cũng minh chứng cho quyết định ấy là hoàn toàn chính xác. Hai vợ chồng Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa đã có một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc với những đứa con xinh đẹp, tài giỏi lừng lẫy không phụ danh tiếng cha mình. Trần Quốc Tuấn cũng trở thành một trong những danh nhân lịch sử Đất Việt mà con cháu đời đời nhớ ơn.


Nguyệt Hà / ĐKN

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top