Hôm qua tôi có viết vài dòng về hiệu lực của Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái bình dương) trong trường hợp Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định, theo như tuyên bố của tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Tôi đã viết rằng rằng báo chí VN nhận định sai.

Bây giờ xét lại, không chỉ phóng viên báo chí có uy tín của các trang BBC, VOA, RFI… sai lầm, mà những “chuyên gia” về kinh tế “danh trấn thiên hạ” thường xuyên cộng tác với các trang báo này cũng có những nhận định sai lầm (tai hại) tương tự. Không ngoại lệ, tất cả cùng đồng ý ở điểm TTP không có hiệu lực nếu điều kiện 85% “trọng lượng các nền kinh tế” không hội đủ.

Thí dụ:

RFI hôm 11-11 viết: “Theo nhật báo Mỹ USA Today, việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP có tác dụng khai tử hẳn văn kiện này, kể cả khi được 11 nước còn lại phê chuẩn vì sẽ thiếu mất điều kiện hội đủ 85% trọng lượng các nền kinh tế thành viên của hiệp định”.

BBC hôm 22 tháng 11 năm 2016: “Để có hiệu lực, TPP cần được ít nhất sáu nước, chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng kinh tế của nhóm, thông qua trước tháng Hai 2018. Điều này có nghĩa là cả Nhật Bản và Hoa Kỳ phải thông qua vì thiếu hai nước này tỷ trọng kia sẽ không đạt được.”

VOA hôm 2-12 viết: “Để có hiệu lực, thỏa thuận TPP phải được ít nhất 6 nước chiếm 85% sản lượng kinh tế trong nhóm 12 thành viên phê chuẩn trước tháng 2 năm 2018. Vậy nếu Mỹ rút chân, liệu TPP có còn cơ hội thành hình?”

Tất cả đều lấy hứng từ điều 30.5 của Hiệp định TPP.

Sai lầm là điều 30.5 (khoản 2) của TPP nói về trường hợp Mỹ không dứt khoát rút khỏi TPP mà lại kéo dài thời gian, không “hoàn tất thủ tục pháp lý đúng thời hạn”, như việc do dự không thông qua hiệp định.

Điều 30.5.2 của TPP nguyên văn (bản dịch tiếng Việt) như sau:

“2. Trong trường hợp có bất kỳ Bên nào không thông báo bằng văn bản với cơ quan lưu chiểu việc hoàn tất thủ tục pháp lý áp dụng ở nước mình trong vòng 2 năm kể từ ngày ký Hiệp định, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn trên nếu có ít nhất 6 Bên ký kết ban đầu thông báo bằng văn bản với cơ quan lưu chiểu việc hoàn tất thủ tục pháp lý áp dụng ở nước mình trước thời hạn miễn là 6 Bên này chiếm ít nhất 85 phần trăm tổng sản phẩm quốc dân của tất cả các Bên ký kết ban đầu vào năm 2013.”

Phải nhìn nhận rằng câu văn tiếng Việt trên đây là “khó hiểu”, nhưng không hề “tối nghĩa”. Đối chiếu với nguyên bản tiếng Anh ta cũng thấy rằng nó “khó hiểu” như vậy. Nhưng phần lớn các văn bản về luật đều có lối hành văn “tối nghĩa” tương tự. Vì vậy người ta cần đến “chuyên gia” để giải mã nó.

Tôi đã tóm tắt ý chính của điều 30.5.2 hôm qua như sau : Điều 30.5.2 nói về “hiệu lực của TPP” trong trường hợp có một bên bất kỳ chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý trong thời gian qui định. Trong trường hợp này hiệp ước vẫn có thể có hiệu lực với điều kiện là có ít nhứt 6 bên đã hoàn tất thủ tục pháp lý trước thời hạn đồng thời 6 bên này chiếm ít nhứt 85% tổng sản lượng quốc dân.

Dĩ nhiên điều 30.5.2 không thể áp dụng cho trường hợp của Hoa Kỳ. Bởi vì ông Trump tuyên bố dứt khoát “rút khỏi TPP”, chớ không nói là “điều đình lại TPP” (như bà Hillary Clinton).

Nếu Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi TPP, điều luật áp dụng sẽ là điều 30.6.2 :

“Nếu một Bên rút khỏi Hiệp định, Hiệp định này vẫn có hiệu lực đối với các Bên còn lại.”

Vì vậy ta không ngạc nhiên khi Nhật đã thông qua TPP ngay sau khi ông Trump vừa tuyên bố được đắc cử. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có nói rằng “TPP sẽ vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ”. Nhấn mạnh, ông Abe nói là “vô nghĩa” chớ không nói “vô hiệu lực”. Bởi vì không có Hoa Kỳ, TPP vẫn có hiệu lực đối với các nước còn lại.

Như vậy là với bấy nhiêu báo chí, phóng viên, chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật… không ai chịu khó đọc lại, kiểm chứng lại xem điều 30.5 này nói về cái gì.

Ai là người đầu tiên viết sai, không ai biết, mà điều này không quan trọng. Quan trọng là báo chí, chuyên gia… chỉ lặp lại một cách vô thức. Tin tức sai lầm được truyền đi như bệnh dịch hạch.

Điều tức cười, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa hôm 29-11 trên RFI, nhân cuộc bình luận thời sự, có chê “truyền thông nông cạn” trong việc tường thuật liên quan đến NAFTA và TPP. Vấn đề là ông Nghĩa cũng hiểu sai điều 30.5 của TPP, về ý nghĩa “6 nước 85% sản lượng toàn khối”.

Nguyên văn lời ông Nghĩa:

Trích: “Thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần thuyết phục Hoa Kỳ đừng bỏ cuộc và ông là vị lãnh đạo đầu tiên đến New York để nói chuyện riêng với tổng thống tân cử Donald Trump trước khi đi dự Thượng đỉnh APEC. Chúng ta chưa thể biết kết quả hội kiến, nhưng Nhật chỉ cần hủy bỏ một điều khoản của TPP là Hiệp ước thành hình (khi có tối thiểu sáu nước, với 85% sản lượng của toàn khối). Điều khoản ấy hàm ý là Hiệp ước TPP không thành nếu thiếu Hoa Kỳ, vì Mỹ có sản lượng chiếm 60% sản lượng của toàn khối.

Chính quyền Trump bác bỏ TPP và đòi thương thuyết lại Hiệp Ước Tự Do Bắc Mỹ NAFTA/ALENA là để nhắm tới các thỏa ước song phương với từng nước, chứ không để lui về chính sách tự cô lập hay bế môn tỏa cảng. Tình hình xoay chuyển phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông nông cạn vẫn tường thuật.” Hết trích.

Nhận định của ông Nghĩa là sai. Nhật không cần phải hủy bỏ điều khoản nào của TPP (để hiệp ước này có hiệu lực). Ông Nghĩa chê “truyền thông nông cạn” là không ổn chút nào.

Theo tôi, sự sai lầm “lây lan” của truyền thông là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu báo chí không kịp thời xem xét lại và sửa chữa (chỉ trích cái sai của tôi hay sửa lại nội dung bài viết), thì cái sai lầm này sẽ ảnh hưởng đến những quyết định của lãnh đạo CSVN.

Nghiêm trọng là vì những quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai thịnh suy của con người và đất nước VN.

Nhưng, theo thói quen (văn hóa), dân VN ít khi nào nhìn nhận sai lầm của mình. Hy vọng báo chí sẽ “nghiên cứu lại”, sau đó có lời đính chính, sẽ là chuyện mơ hồ. Việc này chỉ xảy ra ở dân xứ “giẫy chết”.

————-

Tác giả: FB Trương Nhân Tuấn

TTXVH

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top