Thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh đã dẫn đến nghi ngại sâu sắc về các hậu quả lâu dài có thể có do tình trạng ô nhiễm, đồng thời gây ra phản ứng phẫn nộ chưa từng có tiền lệ từ người dân Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất, chính phủ đưa ra thời hạn ba năm cho Formosa để rà soát toàn bộ hoạt động, theo Reuters.
Cái nhìn toàn cảnh
Theo tin Reuters ngày 23/12, khu vực miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay từ tập đoàn công nghiệp Đài Loan.
Formosa Hà Tĩnh là một dự án sản xuất thép của Đài Loan, với tổng vốn đầu tư lên tới 11 tỷ USD.
Uớc tính thiệt hại về lượng hải sản chết dạt vào bờ do thảm họa Formosa là hơn 100 tấn, bên cạnh đó là nhiều hậu quả khác về ô nhiễm môi trưởng ảnh hưởng đến việc làm và phát triển kinh tế tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong số 50 đến 53 sai phạm từ tập đoàn Formosa do chính phủ Việt Nam công bố, sai phạm lớn nhất là việc Formosa đã tự ý chuyển đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang thải ướt (dùng nước).
Thảm họa này đã gây phẫn nộ đối với người dân Việt Nam, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình chưa có tiền lệ trong vòng hai tháng tại các thành phố lớn. Trong khi đó mạng xã hội cũng bùng nổ với những phản ứng giận dữ của người dân tại đất nước có 41 năm dưới sự kiểm soát độc đảng.
Trước sức ép dư luận, vào cuối tháng Sáu 2016, trong buổi họp báo chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã phải cúi đầu xin lỗi Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì gây ra sự cố môi trường thời gian qua, đồng thời cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại là 500 triệu USD.
Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.
Những người biểu tình phản đối Formosa tại Việt Nam, đa số là phụ nữ, mang theo băng-rôn với nội dung “Tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”
Cố tình vi phạm
Theo một báo cáo chính phủ, Formosa đã sai phạm khi tự ý thay đổi sang công nghệ làm nguội than cốc ướt (wet coking).
Đây là hệ thống sử dụng nước để làm mát và được xem là gây nhiều ô nhiễm hơn công nghệ khô, vì hệ thống này tạo ra nhiều khí thải và chất thải có chứa xyanua. Còn công nghệ khô (dry coking) được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy hiện đại. Công nghệ này tuy tốn kém hơn nhưng không sử dụng nước.
Thời hạn dự kiến cho việc hoàn thành lắp đặt hệ thống làm nguội đạt tiêu chuẩn là ngày 31/6/2019, vẫn theo Reuters dẫn lời Bộ Công thương Việt Nam.
Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh, ông Trương Phục Ninh (Chang Fu-ning) nói, tổ hợp dự kiến sẽ quay lại năng suất hoạt động ban đầu vào quý 1 năm 2017, song còn tùy vào sự chấp thuận từ phía Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất 1500 megawatt nhiệt điện.
Theo BBC
Post a Comment