Đại biểu Nguyễn Thị Thủy là một tiến sĩ Luật, đề nghị đưa vào luật quy định nếu luật sư không tố giác thân chủ phạm tội, thì luật sư sẽ phạm tội.
Đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, đem tiếng nói của dân vào nghị trường, và nghiên cứu làm luật. Nhưng hoặc vì không xác định được mình đứng ở đâu, hoặc có thể vì sự hiểu biết chưa “tới”, có những phát biểu nhiều khi ngớ ngẩn, sai luật, và không hướng về đại diện cho dân, thậm chí có khi còn đưa ra những quy định đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người trao cho mình bổn phận đại diện.
Cách đây 4 năm, tháng 6/2013, đại biểu Huỳnh Thành đề nghị tại kỳ họp Quốc hội, là nên sửa lời bài hát “Tiến quân ca”, hiện đương là bài quốc ca của nước Cộng hòa xã hộ chủ nghĩa Việt Nam.
Ý kiến này cho thấy dại biểu Thành không biết gì về luật Sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả đối với tác phẩm! Tác phẩm văn học nghệ thuật mà muốn sửa sao thì sửa, thì có ngày người ta cứ thích thì sửa văn sửa thơ sửa nhạc, bất cứ tác phẩm nào, của ai cũng được?
Nên nhớ rằng gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng bản nhạc “Tiến quân ca” cho Nhà nước, là người dân được hát mà Nhà nước không phải bỏ tiền ra mua bản quyền. Chứ với quyền tác giả đối với tác phẩm thì vẫn nguyên vẹn, không ai được phép sửa tác phẩm của người khác nếu không có sự đồng ý của người đó hoặc người được ủy quyền đại diện.
Nói tới đây lại cứ nhớ đến cách ta hơn thế kỷ, thi hào Tú Xương đã dạy:
Văn chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!
(Bác cử Nhu – Trần Tế Xương)
Lại mới tức thì đây thôi, hôm qua 24/5, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một nữ đại biểu là tiến sĩ Luật, đang có phẩm trật ở cơ quan luật cấp trung ương, đã đề nghị đưa quy định luật sư phải tố cáo thân chủ vào bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu không tố cáo thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm”.
Nói như vậy thì có lẽ giới luật sư phải bỏ nghề chạy đi hành nghề khác.
Luật pháp đặt ra nhằm duy trì, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội và giáo dục con người. Có luật nào buộc con người, buộc người hành nghề phải phản bội thân chủ, phản bội lương tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến như vậy?
Và cũng trong ngày, một đề nghị nữa cũng “na ná”, cũng bàn về bộ luật Hình sự sửa đổi, thêm một đại biểu đề nghị đưa quy định đưa “tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào tội hình sự.
Đại biểu này hoặc có thể đọc luật không kỹ, hoặc đã lo lắng quá mức. Bởi tất cả các hành động chống phá Đảng, Nhà nước, hành động muốn lật đổ chế độ, hành động vu khống hay nói xấu xúc phạm người khác… đều đã có các điều luật khác quy định đầy đủ, vậy cần gì phải thêm một quy định vừa thừa thãi, vừa “đặc cách” riêng cho một đối tượng là lãnh đạo thế này nữa?
Đó là chưa kể, nếu điều này được áp dụng, khi người dân có thông tin tố cáo tiêu cực sai trái của lãnh đạo, liệu rằng sẽ không bị người bị tố cáo sẽ dùng điều luật này để dập tắt bằng cách quy chụp vào các tội danh trên?
Khi đại biểu ứng cử thì có chương trình hành động, có tiếp xúc cử tri, có nhiều hứa hẹn sẽ kiến nghị vấn đề này, giám sát vấn đề kia, tháo gỡ khúc mắc nọ, trong quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, trong các quy định pháp luật…, có vẻ rất đứng về phía người cầm lá phiếu bỏ cho cho họ. Thế nhưng hình như khi vào nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội quên mất mình đang đứng ở đâu, đại diện cho ai.
Đặng Vỹ
Post a Comment