Thực tế, học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện 1 bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học.

THÙY LINH 

Tất cả học sinh đều được hưởng nền giáo dục miễn phí

Nền giáo dục Phần Lan, từ khoảng hơn mười năm trở lại đây đã trở thành đề tài nghiên cứu, tranh luận và tìm hiểu của các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới. 

Phần Lan đã minh chứng cho thấy có một cách khác để xây dựng một hệ thống giáo dục thành công đó là sử dụng các giải pháp đi ngược lại với các chính sách giáo dục dựa trên thị trường. 

Trái ngược với xu hướng chung trên thế giới, Phần Lan không coi trọng thi cử, không có bài tập về nhà, khuyến khích trẻ em vui chơi và trải nghiệm cuộc sống hơn là ngồi nghe giảng và học thuộc lòng. 

Phần Lan chỉ có một kỳ thi quốc gia duy nhất trong suốt thời học sinh. 

Mục tiêu lớn nhất của giáo dục Phần Lan là tạo ra một nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi trẻ em, để không đứa trẻ nào bị bỏ lại đằng sau: không có lớp chọn hay lớp thường, không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, không có học sinh con nhà giàu và học sinh con nhà nghèo. 

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) đánh giá: “Giáo dục Phần Lan luôn là điều gì đó tạo sự tò mò, háo hức đối với bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới”.

Và câu hỏi “Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?” trở thành chủ đề của buổi tọa đàm do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam – VICC và Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức ngày 13/1, tại Hà Nội. 

Các khách mời tham dự tọa đàm (từ phải qua): Ông Trịnh Minh Giang, bà Riikka Hassi, ông Lê Phước Minh, ông Đặng Minh Tuấn. Ảnh: Thùy Linh

Tại đây, các diễn giả “mổ xẻ” trên cơ sở những đúc rút về những khó khăn, thành tựu của giáo dục Phần Lan với mong muốn sẽ khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, bà Riikka Hassi – Giáo viên tiêu chuẩn của nền giáo dục Phần Lan cho biết, Phần Lan hướng đến một hệ thống trường học nhằm thúc đầy bình đẳng giới với triết lý “không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”. 

Không xếp hạng, không so sánh và không cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay địa phương.

Phía sau hào quang PISA của một số nước châu Á

Ai đã quen với những nước dẫn đầu PISA không lấy làm ngạc nhiên với việc tự tử, ganh đua cũng như dành tới 14-16 giờ mỗi ngày cho việc học.

Tất cả học sinh đều được hưởng nền giáo dục miễn phí. Không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn. Phát triển con người toàn diện quan trọng hơn so với điểm số. 

Trẻ em có những nhu cầu đặc biệt sẽ được cung cấp các chương trình giáo dục đặc biệt. Tất cả học sinh đều được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí. 

“Bình đẳng” là từ khóa trong hệ thống giáo dục Phần Lan với mong muốn tất cả mọi người được tiếp cận nền giáo dục tốt, tất cả các học sinh được bình đẳng tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao không phân biệt hoàn cảnh xuất thân, vùng sâu vùng xa.

Bà Riikka cũng cho biết thêm, một “nghịch lý” trong giáo dục Phần Lan chính là học ít giờ đi nhưng chất lượng, kiến thức của học sinh lại tăng lên.

“Trên thực tế, việc giảm giờ học của học sinh sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian soạn bài, soạn giáo án, thời gian tương tác với học sinh, phụ huynh hơn” – bà Riikka chia sẻ.

Bà Riikka phân tích, ở Phần Lan, học sinh sẽ không được kiểm tra quá nhiều bằng các bài test (kiểm tra). Trên thực tế, học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện 1 bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học và cuối cùng là một bài kiểm tra quốc gia để vào Đại học.

Tuy vậy, học sinh Phần Lan lại được đánh giá rất nhiều trong suốt quá trình học thông qua các bài kiểm tra tính cách, dự định tương lai…

“Chúng tôi tạo sự bình đẳng nhưng khuyến khích sự đa dạng bởi nếu không có sự đa dạng thì sẽ không tận dụng được thế mạnh và tài năng của các em” – chuyên gia đến từ Phần Lan khẳng định.

Bên cạnh đó, theo bà Riikka, các trường học Phần Lan tập trung vào sự phát triển toàn diện và xem thời gian vui chơi giải trí là một phần quan trọng trong sự phát triển con người.

“Không giống các nước sẽ có chuẩn hóa về chương trình nhưng Phần Lan lại thiết kế cho từng học sinh để phù hợp với tính cách, khả năng của mỗi học sinh. 

Không giống các nước tập trung vào một số môn học cốt lõi như Văn, Toán, Tiếng Anh thì Phần Lan tập trung phát triển toàn diện cho học sinh. Ngoài các môn học, học sinh còn được học âm nhạc, hội họa, các hoạt động ngoại khóa…”

Sau mỗi tiết học, học sinh có 15 phút giải lao ngoài trời. Một học kỳ ở đây cũng ngắn hơn và các trường tiểu học cho học sinh rất ít bài tập về nhà.

Giáo viên là nền tảng của giáo dục

Bắt đầu từ những năm 1970, người Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của họ.

Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ trở lên và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao.

Kể từ đó dạy học trở thành một nghề được tôn trọng nhất, cao quý nhất trong xã hội.  

Chia sẻ tại hội thảo, bà Riikka cũng cho biết, giáo viên chính là nền tảng của toàn bộ hệ thống giáo dục Phần Lan.


Sự nhất quán trong Hệ thống giáo dục ở Phần Lan

Phúc lợi xã hội được xây dựng trên giáo dục, văn hóa và tri thức. Hệ thống giáo dục mềm dẻo linh hoạt đem lại kết quả cho tính công bằng và bền vững.

Nghề dạy học là một nghề có thanh thế ở Phần Lan bởi đây là nghề được trọng vọng, trả lương cao và được làm việc trong điều kiện tốt nhất nên rất nhiều người trẻ mong muốn trở thành giáo viên.

Chính vì vậy, nghề giáo viên không hề dễ được tuyển chọn và thời gian đào tạo khá dài ở cấp đại học.

Ông Trịnh Minh Giang – Giám đốc điều hành Trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel chia sẻ rằng, ngoài mức lương khá cao thì nghề giáo viên ở Phần Lan rất danh giá.  

Một cuộc khảo sát thực hiện tại Phần Lan cho thấy, hầu hết đàn ông tại quốc gia này đều mong muốn lấy vợ là giáo viên. Trong khi đó, đối với phụ nữ, giáo viên cũng xếp vị trí thứ 2 trong đối tượng họ mong muốn lấy làm chồng.

“Điều đó cho thấy giáo viên được coi trọng ở Phần Lan như thế nào” – ông Giang nói.

Điều đáng chú ý là ngoài mức lương cao, điều kiện làm việc tốt và được xã hội trân trọng, giáo viên ở Phần Lan còn được trao quyền tự quyết, cho phép học điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của từng học sinh của mình.

Theo số liệu thống kê của OECD, giờ dạy trung bình của giáo viên trung học ở Phần Lan chỉ bằng một nửa so với giáo viên Mỹ.

Điều này giúp cho các giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc lên kế hoạch giảng dạy cùng với các đồng nghiệp, chia sẻ ý tưởng và phương pháp dạy học tốt nhất.

Tuy nhiên, theo ông Lê Phước Minh – Phó Giám đốc Học viện quản lý giáo dục thì cho rằng, thực tế nghề giáo viên ở Phần Lan mức lương cao hơn nhưng không hẳn là vượt trội so với các nghề khác. Do đó, lương không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Ông Minh cho rằng, vấn đề quan trọng chính là làm sao xã hội tạo ra sự công bằng để những ai thành công thì phải dựa trên sự xuất sắc của cá nhân họ.

“Tôi ngẫm lại ở Việt Nam có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp thành công nhưng không dựa trên sự xuất sắc, dường như họ dựa trên sự may mắn nào đó, một điều gì đó rất khó lý giải” – ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng, đây chính là một trong những cản trở lớn khi chúng chúng ta học tập và áp dụng các mô hình giáo dục của những nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Từ đó, bà Ms.Riikka Hassi cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục Việt Nam cần tập trung vào kỹ năng để học sinh có kỹ năng làm việc tốt hơn. Phần Lan cũng làm những công việc tương tự, thay vì dạy gì thì sẽ nghĩ dạy ra làm sao?

Các diễn giả tham gia tọa đàm đều mong muốn và tin tưởng rằng “Bài học Phần Lan” sẽ khơi nguồn cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam.

Theo GDVN

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top