Việt Nam – tiền đâu cho vẻ hào nhoáng hiện tại

Với những người rời Việt Nam vào thập niên 90, hẳn vẻ mặt của xã hội Việt Nam có rất nhiều thay đổi. Nhà cao tầng mọc lên san sát, các công trình công cộng như đường sá, cầu cống thi nhau xuất hiện. Xe hơi chạy nhan nhản, cái cảnh xe gắn máy chạy đầy đường đã giảm đáng kể, xe đạp không còn là phương tiện giao thông chính như trước đây. Hệ thống internet giăng khắp mọi nẻo đường.

Tiền đâu cho vẻ hào nhoáng ấy? Đó chính là tiền của thiên hạ, tiền của những nhà đầu tư ngoại quốc, tiền đi vay mượn, tiền của Việt Kiều gởi về; tiền của người Việt thực sự làm ra cũng có đấy, nhưng tổng thể thì chẳng bao nhiêu so với các nguồn trên, chỉ đủ để là cái bung xung để chính phủ Việt Nam đánh bóng công trạng của mình.

Từ khi Việt Nam mở cửa, các nhà đầu tư ngoại quốc nhảy vào. Họ tham gia đấu thầu các chương trình công cộng, như cầu cống, đường sá, các nhà máy thủy điện. Hầu hết các đường sá sang trọng hay những cây cầu đẹp đẽ mới được xây dựng tại Việt Nam đều là do tiền của thành phần này. Cái này có lẽ là cái làm nên sự khác biệt, vì họ không chỉ đưa 1 lượng tiền rất lớn vào Việt Nam mà còn đưa vào cả kỹ thuật, quy trình công nghệ hiện đại. Nhiều công trình tại Việt Nam, người Việt không thể làm nổi, cho dù có tiền.

Ngoài ra, sau khi cầu nối ngoại giao được mở ra, rất nhiều nước viện trợ cho Việt Nam, với hình thức không lãi hoặc lãi thấp, với số tiền nhiều tỉ đô la mỗi năm. Nổi bật nhất trong những nước này là Úc, Nhật và Thụy Điển. Chính phủ Việt Nam dùng số tiền này cho các chương trình khác nhau (tôi không đề cập vấn đề tham những ở bài viết này). Những chính sách của nhà nước hay những chương trình tài chánh tại Việt Nam, đều xuất phát từ nguồn vay này.

Mỗi năm, Việt Kiều gởi về nước khoảng 10 tỉ đô la mỗi năm, tương đuơng 1/10 GDP của Việt Nam. Điểm đặc biệt của số tiền nay là dạng cần không đầu tư, không mất thời gian, không phải làm đơn xin xỏ, cứ đơn giản như lấy tiền trong túi. Nói theo kiểu dân gian đây là “tiền có được mà không phải mất tiền”. Do đó nó được coi là một trong những nguồn tiền hàng đầu của Việt Nam. Thiếu nguồn này, bộ mặt của xã hội Việt Nam chắc sẽ khác hẳn.

(Các bạn có thể nói, thì cũng nhờ chính phủ Việt Nam mở cửa nên chúng ta mới có dịp có những nguồn tiền trên. Tôi đã đề cập vấn đề này trong bài bàn về “Đổi mới hay sửa cũ”, nên xin miễn giải thích thêm ở đây.)

Tiền mà người Việt Nam thực sự làm ra hiện nay là những công nhân làm việc cho các hãng xưởng của các nhà đầu tư nêu trên. Họ mở các hãng sản xuất, với nhiều mặt hàng khác nhau; sản phẩm làm ra được bán trong nước một ít, còn phần lớn là xuất khẩu. Hàng triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở các hãng xưởng thế này, và nó đã giải quyết được vấn đề công ăn việc lạm, tạo ổn định cho xã hội. Và mặc dù với mức luơng rẻ mạt (100-200 đô la/tháng), nhưng do số lượng lớn, họ cũng tạo ra được 1 lượng tiền tương đối góp phần trang hoàng vẻ mặt của xã hội.

Một lãnh vực khác có sự đóng góp của người Việt là các hãng xưởng tư nhân của người Việt. Số này có, nhưng phần đông là nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở ngành nghề không cần nhiều chất xám, như may mặc, đồ gia dụng, kinh doanh nhỏ. Họ không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu kỹ thuật và khả năng quản lý để mở mang tầm vóc kinh doanh. Ảnh hưởng của họ cho sự hoành tráng này là không đáng kể.

Trong lãnh vực công nghệ cao, như các công ty phần mềm, phần lớn là làm ăn theo kiểu cò con. Các công ty lớn như FPT hay Viettel thu nhập chủ yếu dựa vào hạ tầng cơ sở sẵn có như dịch vụ điện thoại, đường truyền intenet v.v. Chắc các bạn cũng thường thấy các báo Việt Nam đưa tin công ty phần mềm này thu nhập tỉ đô la năm, công ty phần kia thu nhập vài trăm triệu đô la, nhờ xuất khẩu phần mềm. Xin thưa, nói theo kiểu dân gian, “nổ” ! Có thể tác giả bài báo “nổ”, hoặc chính tác giả cũng không hiểu vấn đề nên bị các công ty kia gạt. Cũng như các bạn cũng từng thấy báo chí Việt Nam đăng tin có nhóm người Việt phát triển hệ điều hành mới, thách thức với Window của Microsoft, hay người Việt phát triển hệ thống tìm kiếm, có thể đánh bại Google. Toàn nói nhảm !!!

Trình độ kỹ thuật và khả năng quản lý của Việt Nam chỉ có thể làm được những phần mềm loam nhoam, giá trị vài ngàn, vài trăm, thậm chí miễn phí. Những phần mềm giá trị triệu đô đòi hỏi không chỉ kỹ thuật, mà còn khả năng quản lý sắp xếp, khả năng làm việc nhóm, vì số người tham gia phát triển có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn. Giải thích thì dài dòng, nhưng những người trong cuộc đều biết rõ. Cụ thể là trong 1 đại hội thể thao gần đây, chính phủ Việt Nam đã phải mua phần mềm quản lý của ngoại quốc vì chính họ cũng không tin tưởng khả năng làm phần mềm của người Việt. Các phần mềm quản lý ngân hàng tại Việt Nam phần lớn đều mua của ngoại quốc, Việt Nam chỉ chỉnh sửa lại cho thích hợp mà thôi.

Thế còn các đại gia tại Việt Nam hiện nay thì sao? Hầu hết (nếu không muốn nói tất cả) đều liên quan đến đất đai, sau nó là ngân hàng. Họ là những người may mắn, hay có quan hệ với các nhà lãnh đạo, biết vùng đất nào sắp quy hoạch. Họ mua đất với giá rẻ mạt, rồi bán lại với giá gấp ngàn lần. Họ có thể là những người có quan hệ mật thiết với chính phủ, được vay tiền với lãi suất ưu đãi, rồi cho kẻ khác vay lại với lãi suất cao hơn, với những quan hệ vay mượn chồng chéo, hay buôn vàng, mà hệ lụy của nó đang là vấn đề nhức nhối của Việt Nam hiện nay. Tìm hiểu kỹ các bạn sẽ thấy tất cả đại gia tại Việt Nam hiện nay giàu lên nhờ ít nhiều liên quan đến những cách thức này.


Tóm lại, cái hào nhoáng tại Việt Nam hiện nay là sản phẩm của những đồng tiền sẵn có, mà phần lớn là của thiên hạ hay vay mượn. Sự hào nhoáng đó không phải là sản phẩm của công sức hay trí tuệ của người Việt mà chính phủ Việt Nam đang cố gắng tuyên truyền. Thử hỏi, ngay cả con ốc trong xe hơi người Việt Nam vẫn chưa làm nổi thì họ có thể làm được gì? Việt Nam hiện có 2 vệ tinh trên quỹ đạo và chính phủ Việt Nam luôn coi đó là sự phát triển của người Việt mà nói theo ông Nguyễn Tấn Dũng đại khái là “Việt Nam bắt đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ”. Buồn cười thật! Cả 2 vệ tinh đó là tiền mượn của thiên hạ. Việt Nam dùng số tiền đó thuê công ty Mỹ làm vệ tinh, rồi thuê Pháp phóng vệ tinh lên quỹ đạo, rồi cũng phải thuê công ty Mỹ huấn luyện mình vận hành vệ tinh. Tóm lại, chuyện vệ tinh là toàn của thiên hạ, Việt Nam chỉ có cái miệng nói xàm.

Tại sao dân tộc Việt Nam mãi nghèo nàn và lạc hậu?

Đây là câu hỏi mà tất cả những người dân Việt có tâm huyết với vận mệnh dân tộc luôn đặt ra và đã có không ít câu trả lời, với nhiều lý do và cách thức diễn giải khác nhau. Người có trách nhiệm thì thường bảo là lý do khách quan, như chiến tranh, điều kiện lịch sử; kẻ cực đoan thì bảo là do chúng ta dốt, chúng ta hèn; với người lạc quan tếu thì đơn giản là … chúng ta sẽ giàu và văn minh, không nên lo lắng.

Riêng tôi, xin nêu lên 1 lý do ít người nhắc tới, mà theo tôi, đây là 1 lý do cốt lõi, dẫn đến nhiều lý do khác làm cho chúng ta vẫn mãi nghèo nàn và lạc hậu. Đó là sự lãng phí. Lãng phí ở đây không chỉ là tiền bạc, của cải vật chất mà là lãng phí về mặt tri thức, nhân lực, chất xám. Và đáng lo ngại là sự lãng phí này vẫn đang diễn ra hàng ngày và xem chừng không bao giờ kết thúc nếu không có 1 sự thay đổi mang tầm vóc cách mạng.

Sau khi dành được độc lập, nhà cầm quyền Việt Nam quyết định cai trị đất nước theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, với chủ nghĩa Cộng Sản là cốt lõi. Với nền móng này, tất cả phương cách xây dựng đất nước đều dựa trên triết lý Cộng Sản, với sự trợ giúp và hướng dẫn của các nước “xã hội chủ nghĩa anh em”. Quyết định sai lầm là 1 phần của kiếp người, và với 1 tập thể thì dĩ nhiên chuyện đó thường xuyên hơn, không có gì đáng nói. Cái đáng nói là chúng ta đã quyết đinh sai, nhưng hơn 60 năm, với biết bao nhiêu thực tế chứng minh nó sai, chúng ta vẫn chưa nhận ra được cái sai của mình, hoặc biết nhưng không dám thừa nhận cái sai đó để có thể chọn 1 hướng đi mới cho dân tộc mình. Sự lãng phí mà tôi muốn nêu lên bắt nguồn từ sự sai lầm này.

Gần đây người ta bàn tán xôn xao về việc làm ăn thua lỗ của 1 công ty hàng hải, mất mát lên tới hàng ngàn tỷ đồng; hoặc chi phí cho 1 lễ hội để đánh bóng v.v. Đó là sự lãng phí, nhưng nó chẳng thấm vào đâu so với sự lãng phí về mặt tri thức và chất xám mà chúng ta đã đang và sẽ phải đổ trôi sông.

Phong trào Hợp Tác Xã, thời kỳ ngăn sông cấm chợ, bắt nguồn từ 1 cái nhìn thiển cận về kinh tế và nhân lực của nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, kéo dài từ Bắc chí Nam, đã tàn phá nền kinh tế chúng ta như thế nào, hẳn mọi người đều rõ. Với phương thức làm ăn này, từ thành thị đến nông thôn, người lao động nhanh chóng trở thành thằng lười, kẻ quản lý thì chỉ vài ngày là trở nên “lý trưởng”. Hậu quả không chỉ về mặt kinh tế, mà cấu trúc xã hội trở nên hỗn loạn. Nó tồn tại bao lâu? Chắc chắn chẳng phải chỉ 1 năm, vì người ta cứ cho rằng “nghị quyết của Đảng là đúng đắn, chẳng qua người ta thực hiện chưa đúng mà thôi”, nên “các đồng chí cứ cố gắng thực hiện”, cho đến lúc “nghị quyết của Đảng luôn đúng, nhưng người ta cần phải có thời gian mới học tập và thực hiện được”, người ta mới buông.

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Cả 1 thế hệ chuyên gia kinh tế của đất nước được đào tạo, trong và ngoài nước, về nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa. Hiệu quả kinh tế của sự đầu tư này là gì? Môt số không tròn trịa!!! Đến những năm 90, tất cả các chuyên gia kinh tế đều phải chuyển sang học hỏi nền kinh tế thị trường với vốn liếng là 1 con số không. Đến mức 1 giáo sư kinh tế phải dịch một cuốn sách về kinh tế của Mỹ để dạy cho học trò mà chính ông ta cũng không hiểu người ta muốn nói cái gì.

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Về mặt giáo dục, ai cũng biết hiện nay chúng ta thiếu hụt nhân sự về tất cả mọi lãnh vực. Tại sao thế? Lý do chiến tranh nữa ư, xem ra không ổn vì tính từ năm 75 thì đã gần 40 năm rồi. Chúng ta không có đủ thời gian học tập ư, lại càng sai hơn. Người Việt chúng ta, trong nước cũng như hải ngoại, dành thì giờ cho học tập nhiều hơn hầu hết các dân tộc khác. Vấn đề ở chỗ hiệu quả của việc đầu tư cho thời gian học tập. Cái cần thì chúng ta không học, lại dành thì giờ học hỏi những thứ không cần, hoặc đã bị thực tế chứng minh là sai, là bánh vẽ.

Sinh viên chúng ta đã và đang phải bỏ quá nhiều thời gian cho những môn học thuộc loại “bảo vệ chế độ”, thậm chí môn học chủ nghĩa Mác-Lênin là môt bắt buộc cho mọi ngành nghề. Đây là môn học mà cả thầy lẫn trò, chỉ cần bước ra khỏi lớp là thấy nó sai ngay, bởi thực tế rành rành trước mắt. Chúng ta thường than phiền sinh viên ngày nay ra trường không có đủ kỹ năng, nhưng lại không hỏi (hoặc không dám hỏi) trong 4 năm ở đại học họ bị bắt buộc phải học cái gì.

Đó là các trường đại học thông thường, chúng ta còn có cả hàng loạt các trường, các viện Mác-Lênin, các trường Đảng, nữa cơ. Biết bao nhiêu sinh viên, giảng viên (nói chung là nhân lực) qua biết bao thế hệ đã, đang và sẽ tiêu tốn thời gian và trí lực cho 1 triết lý, không chỉ thế giới, mà chính chúng ta cũng nhận thấy rằng nó không thực tế. Triết lý Mác-Lênin là 1 tư tưởng bên cạnh hàng trăm tư tưởng khác của nhân loại, nó có thể đúng hoặc sai, hoặc không thích hợp, các nước đều học cả, nhưng họ học trong tinh thần học thuật, chứ không phải học theo kiểu tôn giáo, xem nó là chân lý, như chúng ta đang làm.

Gần đây nhất, báo Tuổi Trẻ có phát động cuộc thi “chủ nghĩa Mác-Lênin” trên mạng, nghe đâu cả ngàn sinh viên tham gia. Nếu con số này mà đúng thì thật buồn làm sao. Tại sao chúng ta cứ thoải mái đầu tư thời gian, trí lực cho cái mà chính chúng ta cũng thấy nó không thực tế chứ? Triết lý này ban đầu có khoảng hơn chục nước xem nó là chân lý, nhưng lúc này chỉ còn lại vài ba nước và ngay cả những nước này cũng đang tìm cách từ bỏ nó.

Ngoài ra, chúng ta cũng miệt mài học những cái mà nhân loại không xếp nó vào dạng kiến thức. Tôi có xem 1 số giáo trình tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Xem xong, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là trên toàn cõi Việt Nam đã và đang có bao nhiêu sinh viên tiêu thì giờ, tuổi xuân của mình để học hỏi những cái mà nhân loại không biết xếp nó vào ngành nào. Một nhân vật lãnh đạo Việt Nam giới thiệu mình có bằng Tiến Sĩ ngành Xây Dựng Đảng. Cái bằng này mà đưa ra ngoài thế giới thì phải có thêm chú thích “tớ đến từ Sao Hỏa”.

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Chúng ta nên nhìn chính trị như một môn khoa học mà nhân loại hàng ngàn năm nay dày công vun đắp, ngõ hầu xây dựng một thể chế văn minh hiện đại, thích hợp với đà tiến triển của nhân loại, thay vì nhìn nó với lăng kính của đấu tranh giai cấp. Biết bao triết lý chính trị uyên thâm của nhân loại đã bị chúng ta bỏ qua, hoặc thêm thắt, bóp méo, để rồi tất cả đều chỉ biết “chân lý” Mác-Lênin. Tất cả những môn học liên quan đến chính trị tại đại học Việt Nam đều không có tí khoa học nào. Chỉ cần trình độ của kẻ biết đọc là chúng ta đều nhận ra ngay, những thứ này sinh ra chỉ với mục đích bảo vệ chế độ. Chính vì cái mục tiêu “bảo vệ chế độ” mà chúng ta đã và đang lãng phí rất nhiều thứ mà toàn là những thứ cưu mang những hệ lụy lâu dài. So với thứ lãng phí này thì vài ngàn tỉ đồng chẳng là gì cả.

(Không biết tác giả)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top